Khách sạn cho 16 du khách Trung Quốc ở “chui” bị xử lý như thế nào?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo luật sư Mai Quốc Việt, khách sạn Vạn Xuân (Đà Nẵng) cho 16 du khách Trung Quốc ở mà không khai báo tạm trú đã vi phạm pháp luật và có cơ sở để xử lý về mặt hành chính. Trong bối cảnh dịch bệnh nCov hiện nay, hành vi này có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội.

Đang hoàn tất hồ sơ xử lý
Ngày 8/2 vừa qua, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng kiểm tra khách sạn Vạn Xuân (địa chỉ 262 Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) phát hiện có 16 du khách quốc tịch Trung Quốc đang lưu trú. 
Thời điểm kiểm tra, chỉ có 12 du khách Trung Quốc xuất trình được giấy tờ, hộ chiếu, thị thực; số còn lại chưa xuất trình được giấy tờ, hộ chiếu, sau đó bổ sung bằng giấy tờ, hộ chiếu photocopy. Công an còn xác định có 2 người mới nhập cảnh đến Việt Nam ngày 27/1 - thời điểm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) bùng phát. Vì thế, 2 người này đã được cơ quan chức năng thực hiện cách ly tại chỗ và theo dõi theo đúng quy trình phòng ngừa dịch bệnh nCoV.
Các du khách Trung Quốc bị phát hiện ở tại khách sạn Vạn Xuân mà không được đăng ký lưu trú.
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng lập biên bản vi phạm đối với chủ, quản lý khách sạn Vạn Xuân về việc không khai báo tạm trú cho những du khách trên; đồng thời tiến hành xác minh làm rõ mục đích nhập cảnh của họ.
Lãnh đạo quận Sơn Trà cho biết, 16 du khách trên đã được thực hiện các biện pháp phòng chống nCoV tại chỗ, kiểm tra thân nhiệt. Kết quả không có biểu hiện bất thường nào về sức khỏe.
Liên quan đến vụ việc, Đại tá Phan Minh Mẫn - Trưởng Công an quận Sơn Trà cho biết thêm, đơn vị đã phối hợp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP đang hoàn tất hồ sơ để xử lý hành vi vi phạm của khách sạn Vạn Xuân. Đồng thời, Công an Sơn Trà đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại quy trình, thời gian từ lúc các du khách nhập cảnh đến lúc vào ở tại khách sạn, quá trình hoạt động, gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng, mục đích nhập cảnh.
Không chỉ vi phạm pháp luật
Luật sư Mai Quốc Việt - Công ty Luật FDVN cho biết: Theo quy định tại khoản 2, Điều 33, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 nêu rõ: “Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú”.
“Trong vụ việc này, du khách người Trung Quốc đã đến khách sạn (Vạn Xuân), lưu trú, sử dụng dịch vụ tại khách sạn, nhưng chủ khách sạn không thực hiện việc khai báo tạm trú của du khách đến cơ quan công an. Do vậy, hành vi không thực hiện khai báo tạm trú này đã vi phạm pháp luật và có cơ sở để xử lý về mặt hành chính”, luật sư Việt khẳng định.
Theo đó, đối với hành vi “cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan công an theo quy định khi có người đến lưu trú” thì cơ sở lưu trú bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngoài vi phạm pháp luật, hành vi không đăng ký lưu trú cho du khách Trung Quốc của khách sạn Vạn Xuân còn có nguy cơ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội tại địa phương. 
Hiện nay, dịch bệnh nCoV đang có diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đang áp dụng nhiều biện pháp để xử lý, ngăn chặn tình trạng lây nhiễm bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là theo dõi đối với người di chuyển từ vùng dịch bệnh đến Việt Nam.
Do vậy, luật sư Mai Quốc Việt cho rằng: Ngoài việc khách sạn không tiến hành khai báo tạm trú cho du khách nước ngoài đã vi phạm pháp luật về đăng ký lưu trú, thì cũng với hành vi này đã có nguy cơ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội tại địa phương. Bởi, những du khách là từ vùng dịch bệnh đến Việt Nam du lịch, có thể tiếp xúc với nhiều người, chưa có biện pháp phòng tránh, việc lây nhiễm nếu một trong những du khách nhiễm bệnh gây ra hệ quả rất là nguy hiểm.
Luật sư Việt chia sẻ thêm, các cơ sở kinh doanh lưu trú, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành ngoài việc chấp hành các quy định của pháp luật, cũng nên thực hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đơn cử như phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc ngăn chặn, giải quyết dịch bệnh này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần