Mới mẻ nên chưa phổ biến
Ngày 15/3, Bộ VHTT&DL, Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ KH&CN đã công bố hệ thống khai báo sức khỏe du lịch dành cho các sân bay, cửa khẩu và cơ sở lưu trú, nhà hàng trên toàn quốc nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Người sử dụng các thiết bị di động thông minh có thể dễ dàng tải ứng dụng có tên Vietnam Health Declaration (Khai báo sức khỏe du lịch) để khai báo.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, khách du lịch lưu trú tại Hà Nội phần lớn vẫn được nhân viên các khách sạn hướng dẫn khai báo sức khỏe bằng hình thức thủ công. Ông Dương Công Hưng - Quản lý một khách sạn tại phố Nhà Thờ (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho biết: “Từ khi có dịch Covid-19, chúng tôi đã thực hiện việc yêu cầu khách hàng khai báo y tế theo phiếu điều tra y tế được lực lượng công an hướng dẫn. Tôi chưa biết đến ứng dụng khai báo online và cũng chưa được tập huấn để sử dụng. Ngoài ra, mẫu khai báo sức khỏe đối với khách hàng được thay đổi nhiều lần. Sau khi khách hàng khai báo sẽ nộp cho cơ quan công an để họ nắm bắt tình hình”.
Theo tìm hiểu, mẫu “Phiếu điều tra y tế đối với người về từ vùng có dịch” thủ công do công an cung cấp cho các cơ sở lưu trú có nội dung tương đồng với ứng dụng khai báo y tế online. Trung bình, một người mất từ 3 - 5 phút để khai báo. Đối với du khách không nhớ các thông tin về số hộ chiếu hay số hiệu phương tiện, số ghế ngồi trên máy bay thời gian có thể lâu hơn từ 5 - 10 phút.
Bà Manto Florence (quốc tịch Bỉ, lưu trú tại khách sạn số 9, phố Nhà Thờ) cho hay: “Tôi rất ủng hộ việc khách sạn ở Hà Nội yêu cầu khai báo y tế. Bởi, trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, việc làm này thể hiện cho thấy các bạn đang kiểm soát dịch bệnh một cách sát sao, nghiêm ngặt”.
Tại một số khách sạn lớn như Mường Thanh, Sheraton, Movenpick, Grand Vista, Bảo Sơn..., việc kê khai sức khỏe y tế cho khách vẫn thực hiện nghiêm túc. Giám đốc khách sạn Mường Thanh Hà Nội Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, ngày 16/3, đơn vị này đã thực hiện hướng dẫn cho khối lễ tân cách thức khai báo bằng ứng dụng. Qua đó, có thể thấy, việc thực hiện ứng dụng “Khai báo sức khỏe du lịch” tuy còn khá mới mẻ nhưng bước đầu đang được các cơ sở lưu trú tổ chức hướng dẫn để thực hiện.
Sẵn sàng tiếp nhận người cách ly
Theo khảo sát của phóng viên tại các khách sạn, cơ sở lưu trú, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện nghiêm túc. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, các khách sạn đều treo các pano của Bộ Y tế khuyến cáo du khách nên kiểm tra y tế nếu đi từ những vùng có dịch về Việt Nam. Bên cạnh đó, tại các khu vực như bàn lễ tân, nhà vệ sinh, phòng ăn, khách sạn đều bố trí nước rửa tay, khẩu trang miễn phí để khách hàng sử dụng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Kinh tế & Đô thị về việc khách hàng có nhu cầu cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú có được đáp ứng hay không, Quản lý khách sạn tại số 9, phố Nhà Thờ chia sẻ: “Từ khi có dịch Covid-19, khách du lịch đến Hà Nội giảm. Khách sạn chỉ hoạt động 10% công suất. Do vậy, nếu chính quyền địa phương có nhu cầu sử dụng khách sạn làm địa điểm cách ly, chúng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng. Chúng tôi sẽ có những giải pháp hỗ trợ về kinh phí hoạt động”.
Qua đó có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với cả nước, ngành du lịch Thủ đô đứng trước nhiều khó khăn, song vẫn bảo đảm an toàn cho du khách, xây dựng hình ảnh thân thiện, văn minh. Các DN du lịch trên địa bàn TP đã thể hiện cách ứng xử đẹp khi chia sẻ khó khăn chung, tạo niềm tin nhanh chóng tìm lại đà tăng trưởng sau khi hết dịch.
Từ chiều 15/3, Công an phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) đã phổ biến cách thức khai báo y tế cho du khách trên ứng dụng “Khai báo sức khỏe du lịch” tới hơn 100 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn. Công an phường Hàng Trống yêu cầu các cơ sở lưu trú một mặt thực hiện việc kê khai theo hình thức cũ, mặt khác làm quen với ứng dụng mới để tiến tới thực hiện khai báo y tế cho du khách bằng ứng dụng tải về điện thoại thông minh. |