Khai gian làm lây lan dịch
Những ngày qua, cộng đồng mạng lên án trước thông tin một số trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 khai gian, cố tình giấu lịch trình di chuyển của mình, gây khó khăn cho chính quyền, cơ quan chức năng trong việc kiểm soát người nghi nhiễm.
Thậm chí, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ở tỉnh Bình Thuận liên tục kêu gọi những trường hợp từng tiếp xúc với bệnh nhân thứ 34 đến khai báo y tế, cũng như thông tin thêm lịch trình, địa điểm di chuyển. Dù biết mình nhiễm Covid-19 nhưng bệnh nhân này cố tình không khai báo hoặc khai báo gian dối gây khó cho cơ quan chức năng.
Bệnh nhân thứ 34 được biết đến là một nữ doanh nhân ở tỉnh Bình Thuận. Bệnh nhân đã khai với cơ quan chức năng, khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là di chuyển thẳng về nhà bằng xe riêng, do một tài xế lái. Đồng thời, bệnh nhân khẳng định, từ khi về đến trước lúc nhập viện chỉ ở nhà và lên công ty riêng.
Tuy nhiên, thực tế nữ doanh nhân này từng ở lại TP Hồ Chí Minh để giao lưu với đối tác. Khi về đến TP Phan Thiết, bà còn đi đến nhiều nơi ăn uống, gặp gỡ nhiều người. Việc khai báo gian dối của bệnh nhân này đã gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh của các tỉnh, TP. Nhiều trường hợp không có trong danh sách nghi ngờ do tiếp xúc với bệnh nhân thứ 34 đã phải tự liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn cách ly.
Đến thời điểm này, bệnh nhân thứ 34 đã lây lan dịch Covid-17 cho ít nhất 10 người khác; đồng thời, một số khu dân cư, chung cư bị cách ly, hàng trăm người tiếp xúc liên quan đến bệnh nhân này đang được cách ly, theo dõi.
Đại diện Sở Y tế Bình Thuận thừa nhận, bệnh nhân thứ 34 đã không khai báo đầy đủ lịch trình và những người từng tiếp xúc với mình trong thời gian ủ bệnh. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương. Các trường hợp F1 tiếp xúc gần với bệnh nhân này liên tục gia tăng do một số trường hợp chủ động đến khai báo cũng như qua điều tra dịch tễ phát hiện thêm.
Có thể phạt tù lên đến 12 năm
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho hay, đến nay, người dân đều nhận thức được sự nguy hiểm của dịch Covid - 19. Ngành y tế cũng đã phổ biến tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng dịch cũng như cách hạn chế lây lan dịch cho người khác. Do đó, nếu bệnh nhân mắc Covid-19 khai báo gian dối, dẫn đến việc cơ quan chức năng không kiểm soát được người nghi nhiễm, khiến dịch bệnh khó kiểm soát trong cộng đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, có thể bị phạt tù lên đến 12 năm.
Lỗi của người vi phạm trong trường hợp này được xác định là lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.
Liên quan đến những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 khai báo gian dối, các chuyên gia luật cho rằng, cần thiết phải công khai danh tính của những bệnh nhân này sớm để phục vụ vào việc đấu tranh phòng ngừa đại dịch. “Việc công khai thông tin, lịch trình, quá trình di duyển của bệnh nhân nhiễm Covid 19 là cần thiết và bắt buộc.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, người dân cần phải hợp tác, tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu về cung cấp thông tin y tế, quá trình di chuyển, tình trạng sức khỏe để chính quyền sớm ngăn chặn, dập dịch” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối chia sẻ.
"Xử lý hình sự hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong tình hình hiện nay là cần thiết nhằm răn đe những người coi thường tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người khác. Mặt khác, đây cũng là một trong những biện pháp để nâng cao ý thức bản thân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về phòng, chống, góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh." - Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh |