Khai thác giá trị 2 làng khoa bảng hút khách đến huyện Thanh Trì

Tin và ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong những nội dung được đề cập trong buổi làm việc của Sở Du lịch Hà Nội tại huyện Thanh Trì nhằm rà soát, triển khai thực hiện các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện, sáng 16/2.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Phạm Thị Thu Huyền cho hay, Thanh Trì có truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng lâu đời với 2 làng khoa bảng là làng Tả Thanh Oai - xã Tả Thanh Oai và làng Nguyệt Áng - xã Đại Áng. Huyện có nhiều danh nhân nổi tiếng như: Đô hồ Đại vương Phạm Tu, danh nhân Chu Văn An, người thầy của muôn đời; bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, danh nhân Ngô Thì Nhậm... Huyện có 153 di tích trong đó có 82 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa; đồng thời Thanh Trì còn lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như: Múa Lân, múa Rồng, múa Sênh tiền, múa Bồng và các Lễ hội truyền thống của địa phương.
 Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Hạnh.
Cùng với đó, Thanh Trì có nhiều làng nghề với những sản phẩm mỹ nghệ nổi tiếng như Sơn mài xã Đông Mỹ; nghề dệt xã Tân Triều, mây tre đan xã Vạn phúc, nón lá xã Đại Áng... Huyện cũng có nhiều đặc sản nổi tiếng như: Bánh chưng, bánh dầy xã Duyên Hà; miến xã Hĩm Hoà, rượu Ngâu xã Tam Hiệp. Đó là những tiềm năng thuận lợi để huyện phát triển Du lịch đến năm 2020.
Những năm qua, các hoạt động tuyên truyền và quảng bá, hợp tác, xúc tiến đầu tư đã có những kết quả, lượng khách du lịch tăng theo các năm, theo các mùa lễ hội. Cụ thể, năm 2012 có khoảng 20.000 lượt khách, năm 2014 khoảng 35.000 lượt khách, năm 2016 ước khoảng trên 46.000 lượt khách... Du khách đến với Thanh Trì chủ yếu khách đến lễ (tâm linh) và thăm quan các sản phẩm làng nghề.
Lãnh đạo huyện Thanh Trì thẳng thắn nhìn nhận, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, muốn hoạt động du lịch phát triển cần có quy hoạch đồng bộ của huyện Thanh Trì nói riêng và của TP nói chung, nhưng hiện nay, công tác quy họach còn thiếu đồng bộ. Mặt khác, sự liên kết, phối hợp giữa các đơn vị liên quan của các cấp, các ngành từ địa phương đến TP chưa chặt chẽ, vì vậy cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành đưa phát triển du lịch theo hướng chuyên môn hoa có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phát triển du lịch – dịch vụ du lịch như: Bãi đỗ xe, trung tâm thương mại giới thiệu các sản phẩm du lịch… các công trình vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTT&DL còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch ở các làng nghề, tại các lễ hội và tại các khu sinh thái chưa có sự chuyên nghiệp; dịch vụ chưa đa dạng, thiếu khu bán hàng lưu niệm tập trung theo quy hoạch, các dịch vụ phụ trợ khác nhằm hấp dẫn du khách còn thiếu như: Không có điểm dừng đỗ xe. Không có khu trưng bày sản phẩm, giới thiệu về làng nghề, các sản phẩm phục vụ khách mua chưa đa dạng… Các khu du lịch sinh thái vẫn mang tính chất kinh doanh tự phát, chất lượng và các dịch vụ chưa thực sự đặc sắc nhằm thu hút được du khách.
Để ngành du lịch phát triển tương xứng tiềm năng, thế mạnh, huyện Thanh Trì đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm đầu tư kinh phí tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An tại xã Thanh Liệt nhằm đẩy mạnh phát triển Du lịch trên địa bàn huyện.
Đề nghị Sở Du lịch Hà Nội đưa các làng nghề truyền thống của huyện vào các điểm đến du lịch của TP. Đồng thời, đưa các điệu múa cổ, múa dân gian truyền thống của huyện tham gia vào các hoạt động du lịch của TP.
Kết luận tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Đỗ Đình Hồng khẳng định, huyện Thanh Trì có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, nhưng ngành công nghiệp không khói của huyện vẫn chưa khai thác tương xứng với tiềm năng. Chính vì thế, người đứng đầu ngành du lịch Thủ đô yêu cầu huyện Thanh Trì nhanh chóng rà soát toàn bộ các tiềm năng lợi thế của huyện để Sở cùng với huyện sắp xếp các điểm đến thành sản phẩm, tour hoàn chỉnh. Trong đó, đặc biệt chú ý đến sản phẩm du lịch liên quan đến các di tích, khu thưởng niệm danh nhân Chu Văn An và 2 làng khoa bảng để giới thiệu tới các doanh nghiệp, du khách và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Bên cạnh đó, ông Hồng đề nghị huyện Thanh Trì nghiêm túc thực hiện và vận dụng mềm dẻo Nghị quyết số 06/2012/NQ-TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy về phát triển Du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016- 2020 và những năm tiếp theo cũng như Kế hoạch số 207/KH - UBND ngày 11/11/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06.
Ông Đỗ Đình Hồng đề nghị huyện Thanh Trì sớm rà soát và xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và các khu dịch vụ hỗ trợ du lịch như: Khu ẩm thực, khu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dành cho văn hóa cộng đồng, khu bảo tồn văn hóa, di sản văn hóa, nhà truyền thống (tổ nghề), và khu thương mại giới thiệu sản phẩm địa phương.
Người đứng đầu Sở Du lịch cũng khẳng định sẽ đưa các DN lữ hành, khách sạn, DN kinh doanh dịch vụ du lịch đến hướng dẫn cách làm và đầu tư phát triển du lịch tại huyện Thanh Trì.  Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ giúp huyện đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm du lịch; thiết kế các biển, bảng chỉ dẫn du lịch; giúp huyện quảng bá du lịch trong nước và quốc tế…
Ngoài ra, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề nghị huyện Thanh Trì tích cực tham gia các hoạt động và đóng góp cho các hoạt động của ngành du lịch Thủ đô trong thời gian tới như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2017, Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống; Festival Áo dài Hà Nội 2016; chương trình “Ký ức Hà Nội”…