Khai thác nguồn lực USD thế nào cho hiệu quả?

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một lần nữa, Chính phủ định hướng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nguồn lực ngoại tệ.

Theo gợi mở của Chính phủ, thay vì gửi với lãi suất USD là 0%, cần có giải pháp huy động nguồn lực này để tăng nguồn cho đầu tư.
10 tỷ USD đã được chuyển thành tiền đồng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, với các giải pháp điều hành vĩ mô tổng thể những năm qua rất trúng, nhờ đó nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa thành VND. Chẳng hạn, năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Một phần lớn là từ ngoại tệ nắm giữ trong dân, qua đó chuyển thành VND. Số tiền này được người dân đưa trực tiếp một phần vào sản xuất, kinh doanh, phần khác gửi vào các ngân hàng thương mại. “Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp huy động nguồn lực tốt nhất trong điều kiện hiện nay mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát" - Thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Dự trữ ngoại hối USD trong thời gian qua tăng khá cao. Ảnh: Chiến Công

Thực tế, kênh đầu tư vào USD và vàng trở nên kém hấp dẫn. Giá vàng không nhiều biến động và có xu hướng giảm. Tỷ giá USD/VND có tăng thời gian trước đây nhưng từ đầu năm đến nay tỷ giá cũng đã giảm nhẹ. Dữ trữ ngoại hối đã liên tục ghi nhận mức kỷ lục mới. Theo con số mà Thống đốc NHNN chia sẻ tại Hội nghị với các lãnh đạo các địa phương hồi đầu tháng 7 đã tăng lên 42 tỷ USD. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, trong nửa đầu năm nay, ước tính tăng trưởng tín dụng ngoại tệ lên tới 7,3%, chiếm khoảng 8,3% tổng tín dụng. Điều này đồng nghĩa, nguồn lực ngoại tệ đang được sử dụng trực tiếp vào khoảng nửa triệu tỷ đồng quy đổi ở kênh tín dụng, không bỏ không trong dân cư.
Thống đốc cũng chỉ ra rằng, ngay cả với vàng, đã không phải mất ngoại tệ để nhập vàng trong những năm qua. Người dân cũng không đổ nguồn lực mua vàng như trước, qua đó chuyển hóa nguồn lực vào nền kinh tế. Lượng ngoại tệ lẽ ra để nhập vàng đều đều như trước đây được san sẻ cho các kênh sản xuất, kinh doanh khác.
Có nên tăng trần lãi suất huy động USD?
Từ tháng 9 và tháng 12/2015, NHNN lần lượt hạ trần lãi suất tiền gửi USD xuống 0%/năm đối với tiền gửi của DN rồi đến của dân cư. Quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi USD xuống 0%/năm đưa ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có biến động mạnh và có biểu hiện căng thẳng. Chính sách này áp dụng cho đến nay. Theo phân tích của một lãnh đạo Ban Kinh tế T.Ư, nếu nâng lãi suất USD lên, nhà điều hành hẳn cũng lo ngại người dân và DN gia tăng dịch chuyển ngược, nắm và găm giữ ngoại tệ, càng khiến việc điều hành tỷ giá trở nên khó khăn. Mặt khác, nếu nâng lãi suất tiền gửi USD lên để tăng cường huy động nguồn lực, lãi suất VND không những không giảm được như mục tiêu đề ra mà còn thêm áp lực tăng do phải giữ chênh lệch lãi suất USD và VND để cân đối với tỷ giá. Trong khi dư nợ cho vay bằng VND cao gấp 10 lần dư nợ cho vay ngoại tệ nên việc tăng lãi suất USD sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế.
Tuy vậy, trong trường hợp Mỹ tăng mạnh lãi suất, tỷ giá USD với 8 ngoại tệ mạnh của các quốc gia có quan hệ thương mại sâu sắc với Việt Nam sẽ biến động, nhất là tỷ giá USD/Nhân dân tệ. Lúc đó, tỷ giá USD/VND cũng cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình lạm phát, kim ngạch xuất nhập khẩu, nợ công… “Giả định nếu cuối năm nay và đầu năm 2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lên 1,5 - 2%/năm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chậm lại, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, tiền gửi VND tại các ngân hàng nên điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD theo lộ trình 0,25 - 0,5%/năm... Còn trường hợp các yếu tố này không biến động thì giữ nguyên lãi suất USD 0% như hiện nay" - một chuyên gia phân tích.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, chưa thực hiện ngay việc điều chỉnh trần lãi suất tiết kiệm ngoại tệ nhưng nên cân nhắc việc nâng trần lãi suất huy động USD từ dân cư. Ngoài áp lực tăng lãi suất từ FED, NHNN đã mở lại tín dụng ngoại tệ nên cần có nguồn để cho vay. Nếu không cho phép nâng trần huy động USD, các ngân hàng phải đi vay nước ngoài với lãi suất 1 - 3% thì chi phí này rất lớn so với mức lãi suất huy động 0,25%.
NHNN đang lấy ý kiến các bộ, ngành về đề án chống USD hóa, vàng hóa, trong đó nhấn mạnh các giải pháp chuyển hóa nguồn lực vàng, USD này vào đầu tư... NHNN sẽ báo cáo Chính phủ đề án cụ thể với lộ trình phù hợp để vừa huy động được nguồn lực trong dân nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định kinh tế.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần