Khai trương phiên chứng khoán đầu Xuân Bính Thân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/2 (mùng 8 tháng Giêng năm Bính Thân), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm.

Đây là buổi lễ truyền thống hàng năm nhằm khích lệ động viên tinh thần cán bộ, viên chức trong ngành chứng khoán, các thành viên thị trường, các tổ chức phát hành, các doanh nghiệp niêm yết và công chúng đầu tư.

Bày tỏ sự vui mừng với những bước phát triển của thị trường chứng khoán hơn 20 năm qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh những kết quả khởi sắc trong năm 2015, một năm kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh cồng khai trương phiên chứng khoán đầu Xuân Bính Thân
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên chứng khoán đầu Xuân Bính Thân
Nhìn lại thị trường trong năm qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Tổng giá trị vốn hóa trong năm 2015 đã tăng trưởng khoảng 17% so với năm 2014, đạt mức tương đương 34,5% GDP. Thị trường chứng khoán đã góp phần huy động được gần 300.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước và cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2015”.

Dự báo về tình hình thị trường năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: “Thị trường chứng khoán sẽ có những bước phát triển tích cực hơn. Tuy nhiên, năm 2016 cũng là năm bản lề trong chiến lược phát triển thị trường 2011-2020, bởi vậy nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề”.

Đặc biệt trong năm 2015, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến bất lợi và kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, TTCK vẫn có những khởi sắc và đạt được những kết quả rất quan trọng: Tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường tăng trưởng 17% so với năm 2014, đạt mức tương đương 34,5% GDP. TTCK đã huy động được gần 300 nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước và cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô 2015.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đã giao 3 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành chứng khoán. Thứ nhất, tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu và tổ chức giao dịch TPCP nhằm huy động vốn kịp thời và hiệu quả cho ngân sách và cho đầu tư phát triển;  Kết hợp với việc cơ cấu lại nợ trong nước theo hướng kéo dài kỳ hạn bình quân của TTCP;  Đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và sản phẩm phát hành.

Thứ hai, tiếp tục triển khai công tác đấu giá cổ phần hóa hiệu quả nhằm góp phần hỗ trợ và thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, bán cổ phần DNNN; triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động đấu giá cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN; tiếp tục chủ động hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về cổ phần hóa, tái cơ cấu và phát triển thị trường chứng khoán.

Thứ ba, triển khai thống nhất, đồng bộ và toàn diện các giải pháp nhằm phát triển TTCK ổn định, lành mạnh, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thích ứng với giai đoạn phát triển mới của thị trường; Xây dựng, vận hành và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp; Tăng cường chất lượng hàng hóa và minh bạch thông tin trên thị trường; Xúc tiến việc triển khai và đào tạo quản trị công ty theo thông lệ quốc tế; Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin; Tăng cường công tác hội nhập, quảng bá TTCK và Sở GDCK trên thị trường tài chính khu vực và quốc tế; Chuẩn bị các điều kiện cần và đủ nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần