Khaisilk và sự dối trá

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hàng Tàu đấy mà!” vốn là câu cửa miệng của người tiêu dùng dành cho hàng Trung Quốc nhiều năm nay.

Trung Quốc vẫn tự ví mình là “công xưởng của thế giới” bởi số lượng hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là hàng tiêu dùng, có tính áp đảo. Có thể nói hàng Trung Quốc có mặt ở khắp nơi, trên mọi phố, chợ, hàng quán… xó xỉnh của thế giới.
Người dân trên 200 nước trên thế giới đều ít nhất một lần trong đời mua, bán, dùng hàng Trung Quốc, nhưng chính họ cũng ít nhất một lần trong đời phải ca thán về hàng Trung Quốc. Rẻ thì có rẻ, nhưng đến 70% - 80% không rõ xuất xứ, kém phẩm chất hoặc là hàng nhái, hàng giả. Hàng Trung Quốc thiếu tin cậy đến độ nhiều nước phải ra quyết định cấm nhập khẩu, chẳng hạn như Mỹ ra lệnh cấm nhập khẩu đồ chơi trẻ em bằng nhựa, sắt thép của Trung Quốc. Vì thế, người ta cố gắng chứng minh hàng bán không phải của Trung Quốc, mà là hàng do nước họ hoặc các nước phát triển sản xuất đã lâu năm. Chỉ những nước chậm phát triển mới dùng hàng Trung Quốc hoặc nhập nhèm đánh lận hàng Trung Quốc thành hàng nước họ để bán cho dân, thu lãi cao.

Việt Nam là láng giềng với Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Bao nhiêu năm rồi, ta phải chống buôn lậu, chống hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên dải biên giới dài 1.400km và tìm mọi cách nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt bằng giá cả và chất lượng để chặn hàng Trung Quốc tràn vào nội địa. Giữa lúc phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang lên cao, giữa lúc phiên tòa xét xử Công ty VNPharma với nghi án nhập khẩu thuốc chống ung thư giả đang diễn ra, thì lời thú nhận của ông chủ thương hiệu Khaisilk như một gáo nước lạnh dội xuống người tiêu dùng Việt. Ngay tại 113 Hàng Gai (Hà Nội), doanh nhân Hoàng Khải – Tổng Giám đốc Tập đoàn Khaisilk – một thương hiệu lớn, có uy tín, thừa nhận: Nhiều năm nay vẫn nhập lụa Trung Quốc bán lẫn với lụa Việt Nam với tỷ lệ khoảng một nửa Trung Quốc, một nửa Việt Nam.

Đây là scandal “tự làm giả chính mình” vì lợi nhuận, Khaisilk đã đánh cắp niềm tin của người tiêu dùng. Scandal này khiến khách hàng mua một lần không quay lại, nhưng lớn hơn, sẽ khắc sâu vào trí nhớ của những người ngưỡng mộ doanh nhân Hoàng Khải; ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thương trường quốc tế. Tại hành lang Quốc hội sáng qua (27/10), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định Khailsilk đã vi phạm pháp luật, gây tổn hại thương hiệu Việt, nhưng quan trọng hơn nó làm tổn thương tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt. Phải nói rằng, chưa bao giờ một vị bộ trưởng lại quan tâm tới chuyện kinh doanh của một tập đoàn như thế.

Nhưng dù pháp luật có nghiêm khắc đến đâu, con đường lấy lại uy tín trong kinh doanh hay đóng cửa rong chơi bằng số tiền đã kiếm được từ sự dối trá hơn 20 năm qua, không dễ gì ông Hoàng Khải và người tiêu dùng Việt quên được bài học và những thiệt hại từ việc khăn lụa Khaisilk nhập nhằng với khăn lụa sản xuất tại Trung Quốc. Muốn người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, trước hết người Việt cần yêu quý hàng Việt, đừng vì lãi cao, sính ngoại, ham rẻ mà “bán đứng” thương hiệu của mình và làm “xấu mặt” hàng Việt trên thương trường. Đấy là một nỗi đau của người tiêu dùng Việt.