Khám chữa bệnh BHYT tăng cao bất thường, vì sao?

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chi phí khám chữa bệnh (KCB) bằng bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2017 cũng như 3 tháng đầu năm 2018 tăng đột biến, trong đó có nguyên nhân do lạm dụng kỹ thuật cao cũng như chỉ định bệnh nhân nhập viện ở cả những bệnh hắt hơi, sổ mũi. Ngành BHXH tiếp tục có những giải pháp nhằm bảo đảm việc sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

 Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Thanh Hải
Cảm cúm, viêm họng cũng nhập viện
Sáng 3/4, tại Hội nghị báo cáo viên TP tháng 4 năm 2018 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, trong năm 2017, tổng chi phí KCB BHYT khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2016. Trong 3 tháng đầu năm 2018, chi phí KCB BHYT là 3.275 tỷ đồng, tăng cao hơn so với cùng kỳ. Nguyên nhân được ông Thuật chỉ ra, đó là do tăng giá dịch vụ y tế bao gồm cả tiền lương và tiền phụ cấp của cán bộ y tế, do thông tuyến khám chữa bệnh, mở rộng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT…
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác, đó là các cơ sở chỉ định bệnh nhân vào nội trú rộng rãi và kéo dài ngày nằm viên, kể cả các bệnh thông thường như cúm, viêm họng cũng được chỉ định nhập viện, thậm chí chỉ định nằm ở phòng Hồi sức tích cực, Hồi sức cấp cứu. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ y tế có giá bất hợp lý, một số dịch vụ kỹ thuật có quy trình thực hiện giống nhau nhưng giá khác nhau và chênh lệch nhiều, các bệnh viện thường lựa chọn dịch vụ kỹ thuật có giá cao hơn để thanh toán.

Trước đó, tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí thường kỳ tháng 3/2018, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, có một số biến động tăng trong thực hiện chính sách BHYT.
Theo đó, số lượt khám, chữa bệnh gia tăng cao nhất tại tuyến huyện với 12,8 triệu lượt, tăng 17,9%; tuyến tỉnh tăng 15,7%; tuyến T.Ư tăng 5%. 84 bệnh viện có tỷ lệ vào điều trị nội trú bất thường trên 40%, 17 trung tâm y tế có tỷ lệ chi bình quân ngoại trú tăng cao... Riêng chi phí đặt Stent động mạch vành hai tháng đầu năm lên đến 124 tỷ đồng.

Hiện nay, theo dữ liệu trên Hệ thống giám sát của BHXH Việt Nam đã có 63/63 tỉnh, TP sử dụng vượt quỹ KCB được sử dụng. Trong đó, 9 tỉnh, TP có tỷ lệ sử dụng vượt quỹ KCB khoảng 30% (gồm: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long).

Gian lận BHYT có thể bị phạt tù

Ông Trần Văn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, theo Điều 215, Bộ Luật hình sự, nếu chiếm đoạt tiền bảo BHYT 500.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 5 - 10 năm. Còn các hành vi sau đây bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả hoặc dùng thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh, hưởng chế độ BHYT trái quy định.

Để quỹ BHYT được sử dụng hiệu quả, theo ông Vũ Đức Thuật, từ nay đến cuối năm, BHXH TP sẽ phối hợp với Sở Y tế Hà Nội làm việc với các cơ sở KCB BHYT gia tăng bất thường việc chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật, chỉ định bệnh nhân rộng rãi, chưa hợp lý yêu cầu rà soát lại việc chỉ định thuốc cũng như những dịch vụ bất hợp lý. “BHXH Hà Nội kiên quyết không xuất toán các chi phí không đúng quy định, trường hợp vi phạm Điều 215 Tội gian lận BHYT của Bộ luật Hình sự chuyển công an xử lý” - ông Thuật nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, giải pháp hình sự để xử lý những trường hợp vi phạm sẽ có tác dụng để răn đe, làm gương và đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn trong việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP thực hiện công khai các dịch vụ, danh mục thuốc, vật tư được thanh toán BHYT, tích cực giải thích để người dân hiểu đúng quyền lợi của mình. Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chấn chỉnh việc thu thêm các chi phí bất hợp lý, bảo đảm quyền lợi BHYT của người dân.

Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần