Khám chữa bệnh từ xa: Bước chuyển đổi số của ngành y tế

Khánh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/4/2020, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh (KCB) từ xa nhằm bảo vệ cộng đồng trong mùa dịch Covid - 19 do Bộ Y tế và Bộ TT&TT phối hợp triển khai. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đây là một bước đánh dấu sự chuyển mình rất lớn - chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số.

Khám, điều trị trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh: Phương Linh
Việt Nam hiện có khoảng 14.000 cơ sở y tế, nếu ứng dụng thành công nền tảng này trong khám chữa bệnh hay thăm khám, tư vấn sức khỏe từ xa, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ, tiếp cận những chăm sóc y tế chuyên sâu, đồng thời tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều nước, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang thực hiện trong phòng chống dịch bệnh. 
Khám bệnh từ xa - Telemedicine: Điều không mới
Đó là vào năm 2004 hay 2005, khi Skype mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam, chúng tôi may mắn được chứng kiến nhiều ca hồi sức cấp cứu cần chẩn đoán nhanh và chuẩn giữa những chuyên gia hồi sức tích cực tại TP Hồ Chí Minh và các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa ở các tỉnh như Kiên Giang hay Bến Tre, Long An. Ngày đó, điện thoại thông minh chưa được hiện đại như bây giờ, nhưng việc thăm khám ấy đã khá hiệu quả, khi các bác sĩ tuyến dưới có chuẩn bị hồ sơ bệnh án.
Cho đến những năm qua, telemedicine đã được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam khi các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh đã hội chẩn và huấn luyện trực tuyến với các bệnh viện tuyến tỉnh trong điều trị sốt xuất huyết qua telemedicine; nâng cao chất lượng hội chẩn bằng cách chụp hình ảnh/quay video và chuyển trực tuyến.
Việc truyền dữ liệu trong telemedicine gồm có đồng bộ thời gian thực (real time synchronous) ngay khi theo dõi monitor giám sát bệnh nhân và truyền “không đồng bộ” (asynchronous) - lưu trữ và chuyển đi sau khi có hình ảnh dữ liệu bệnh án, ngày càng nhanh hơn - chỉ khác nhau là có dụng cụ kết nối tại chỗ gắn trên bệnh nhân hay không?
Theo Hiệp hội Chẩn đoán Từ xa Hoa Kỳ (ATA - American Telemedicine Association), telehealth là khái niệm rộng hơn telemedicine, bao gồm các trao đổi truyền thông y tế từ xa, bao gồm telemedicine và các dịch vụ liên quan y tế khác về đánh giá - theo dõi, dự phòng, tư vấn, giáo dục… Telemedicine liên quan khá gần đến tiếp cận lâm sàng, từ bệnh viện tuyến trên đến bệnh viện tuyến dưới, và có thể ra chỉ định điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên ranh giới các khái niệm này dần xóa mờ nhờ tiến bộ kỹ thuật, mobile - health.
Chăm sóc y tế số - Telehealth
Dịch bệnh Covid - 19 kéo dài và diễn tiến phức tạp, bệnh viện có thể trở thành một “ổ dịch” tiềm tàng và nguy cơ cao. Do vậy, nhiều bệnh nhân cần đi khám, tái khám, đặc biệt bệnh nhân mạn tính nhất là bệnh về đường hô hấp, tim mạch, nội tiết… hay người cao tuổi, và vì giãn cách xã hội (social distancing - nay hầu hết các địa phương được nới lỏng) ngại đến bệnh viện.
Nhu cầu tư vấn - khám điều trị từ xa gia tăng vì nhiều bệnh nhân ngại đến bệnh viện. Trong thời điểm dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, các cơ sở y tế triển khai dịch vụ chăm sóc y tế số sẽ giúp những bệnh nhân ở xa không có điều kiện đi lại, không thể đến bệnh viện được an tâm hơn khi được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn để có giải pháp phù hợp với tình trạng bệnh, giúp giảm tải và tránh nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp. Nhưng bệnh viện và người bệnh cần tích hợp nền tảng ứng dụng nào, hay chỉ cần Zalo chat với bệnh nhân là xong? Làm sao có thể khám từ xa mà không tiếp xúc bệnh nhân, chỉ định xét nghiệm - cận lâm sàng ra sao?...
Tùy một số nhóm bệnh lý, như Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh, đã triển khai tư vấn trực tuyến (miễn phí) cho bệnh nhân ở xa không thể đến bệnh viện khám trong thời gian dịch Covid - 19 từ đầu tháng 4/2020. Bệnh viện tổ chức tư vấn từ xa qua kênh Zalo như tiến hành cuộc gọi video thông thường.
TS.BS Nguyễn Trọng Hào - Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết: “Dịch vụ tư vấn trực tuyến sẽ do các chuyên gia nhiều kinh nghiệm là thành viên Ban Giám đốc và lãnh đạo các khoa/ phòng đảm nhiệm. Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cách tự chăm sóc hoặc hướng dẫn sử dụng những thuốc không kê toa, sản phẩm bôi tại chỗ. Trường hợp phải cần các thuốc kê toa, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân khám tại các cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa da liễu hoặc đến Bệnh viện Da liễu nếu cần thiết…”.
Nhưng không ít câu hỏi thắc mắc được đặt ra rằng điều đó không thể thực hiện được. Không bác sĩ nào lại chấp nhận khám từ xa cho một bệnh nhân đang viêm ruột thừa hay xuất huyết tiêu hóa cả; nhưng bạn hoàn toàn có thể tư vấn cho bệnh nhân đang rơi vào tình trạng rối loạn lo âu mà không cần “nhìn, sờ, gõ, nghe”, nhưng điều quan trọng ở nhóm bệnh này là việc kê toa, bởi phần lớn các thuốc điều trị hướng tâm thần đều là thuốc gây nghiện và cần toa thuốc!
Một phương cách mới ra đời trong bất cứ một lĩnh vực nào, vào một số giai đoạn cũng nhằm giải quyết một phân khúc đặc thù nào đó, theo các chuyên gia y tế, các phương thức khám và điều trị cũng vậy, nhất là khi liên quan đến sức khỏe và sinh mạng cũng như an toàn người bệnh. Thay vào đó, chúng ta có lẽ nên dành thời giờ phân loại xem những bệnh lý nào có thể áp dụng được cách khám bệnh từ xa. Điều đó chắc hợp lý hơn.
Chúng ta có thể tham khảo một số nhóm bệnh như người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) và bệnh mạn tính, bệnh nặng (ở bất cứ độ tuổi nào) có thể được theo dõi, thăm khám tại nhà trong cộng đồng theo tài liệu hướng dẫn tạm thời “Quản lý, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid - 19”; bao gồm: Bệnh đường hô hấp mạn tính: Hen phế quản, COPD, lao; bệnh tim mạch: Tăng huyết áp, suy tim; đái tháo đường; bệnh lý thần kinh, tâm thần: Parkinson, xơ cứng tủy rải rác, tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, tâm thần phân liệt, động kinh; Bệnh thận mạn; bệnh gan mạn: viêm gan virus mạn tính, xơ gan; cắt lách; Bbnh suy giảm miễn dịch: HIV, tự miễn, đang dùng hóa chất; béo phì BMI > 40.
Tài liệu được Cục Quản lý Khám - Chữa bệnh (Bộ Y tế) cùng nhóm chuyên gia đến từ Bộ môn Y học Gia đình ĐH Y Hà Nội, BV Lão khoa T.Ư... tham gia biên soạn theo Quyết định số 1588/QĐ-BYT ngày 07 tháng 04 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo một bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình tại TP Hồ Chí Minh, “khoa học phục vụ đời sống. Những bệnh mạn tính thay vì đi khám hàng tháng hay tuần, giờ qua việc thăm khám hay tư vấn từ xa, có thể thông qua các chỉ số mà bệnh nhân cung cấp, bác sĩ có thể đánh giá và chỉ định thêm thuốc để giãn cách thời gian đi khám ở bệnh viện. Hội chẩn liên tỉnh cũng có thể giảm bớt phiền hà đi lên đi xuống, hội chẩn bằng hình ảnh trong phẫu thuật… Rất nhiều thứ có thể làm được, nhưng điều cốt lõi vẫn là pháp lý và thu chi - thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân cũng như bác sĩ hay cơ sở y tế đang triển khai việc khám bệnh từ xa. Cứ đi rồi con đường sẽ được tạo ra.”
Theo một nghiên cứu của Roland Berger, Thị trường digital healthcare tăng trưởng 20% hàng năm. Từ năm 2015 đến năm 2020, thị trường digital heathcare tăng từ 80 tỷ USD lên 200 tỷ USD. Digital & mobile health làm thay đổi nhiều vai trò bệnh nhân về tiếp cận y tế cả về giáo dục thông tin y khoa và lan truyền cộng đồng. Cho dù tương tác truyền thống bác sĩ - bệnh nhân vẫn còn vai trò chính, nhưng bệnh nhân đã chủ động tham gia hơn trong “hệ sinh thái y khoa”, khi mà dữ liệu bệnh lý được chia sẻ qua “điện toán đám mây” đến bác sĩ và đơn vị BHYT trong tương lai rất gần.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần