Khám, chữa bệnh từ xa: Đáp ứng mục tiêu kép

Nhật Nguyên - Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ca bệnh tưởng chừng như “khó đỡ” của bệnh viện (BV) tuyến dưới giờ đây qua màn hình kết nối trực tuyến, các bác sĩ tuyến trên có thể hướng dẫn tuyến dưới thực hiện. Nhiều bệnh nhân được cứu sống kịp thời, viết nên những kỳ tích mới của y học Việt Nam.

Trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Niềm vui người bệnh
Khác với mùa Xuân năm trước, mùa Xuân năm nay thật đặc biệt và ý nghĩa với gia đình bé N.T.T.V. (5 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ). Đây là lần đầu tiên từ khi cháu V. chào đời họ mới được chứng kiến cháu có thể chạy nhảy, hát múa, cười đùa như bao nhiêu đứa trẻ bình thường khác.

Cách đây 6 tháng, cô bé 5 tuổi với cân nặng chưa đầy 13kg chỉ chạy, nhảy vài phút là mệt, thở dốc và nghe tim đập thình thịch trong lồng ngực. Cháu V. được phát hiện có lỗ thông liên thất khi mới 1 tháng tuổi. Những năm đầu đời bé chậm tăng cân, liên tục bị viêm phổi và viêm phế quản tái diễn. Sau cuộc phẫu thuật tim hở từ xa, kết nối giữa BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ và BV Tim Hà Nội qua hệ thống Telehealth được thực hiện vào tháng 8/2020, hiện cháu V. đã khỏe mạnh trở lại và được đến trường. Nhớ đến thời điểm trước khi ca mổ diễn ra, mẹ V. chia sẻ: Chúng tôi vừa mừng vừa lo, lo vì trước đó nhiều người khuyên gia đình nên đưa con xuống Hà Nội để bác sĩ tuyến trên phẫu thuật trực tiếp sẽ tốt hơn. Với quãng đường 100km từ nhà xuống đến BV Tim Hà Nội, việc đi lại, chăm sóc con trong quá trình điều trị sẽ rất mệt mỏi và tốn kém. May mắn, con đã được các chuyên gia hàng đầu của BV Tim Hà Nội hỗ trợ điều trị ngay tại quê nhà, không phải đi lại xa xôi.

Tại BV Nhi T.Ư, thời gian qua, BV đã kết nối để hỗ trợ, tư vấn từ xa về chuyên môn cho 8 BV tuyến dưới, trong đó có những ca bệnh phức tạp. Tương tự, tại BV Việt Đức, từ màn hình kết nối trực tuyến, nhiều ca phẫu thuật phức tạp đã được thực hiện tại BV tuyến tỉnh diễn ra đồng thời dưới sự tư vấn trực tiếp của các chuyên gia BV Việt Đức.

Trên đây chỉ là vài ca bệnh trong số hàng nghìn bệnh nhân đã được các bác sĩ tuyến trên hỗ trợ từ xa cho tuyến dưới, điều trị thành công, đem lại sức khỏe, tính mạng cho bệnh nhân.

Không phải lên tuyến trên điều trị

Từ đầu tháng 9/2020, khi khai trương Trung tâm Tư vấn khám, chữa bệnh (KCB) từ xa đến nay, BV Việt Đức thường xuyên tổ chức tư vấn phẫu thuật trực tuyến, đặc biệt qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D Einstein Vision cho BV tuyến dưới. Những chuyên gia đầu ngành của BV Việt Đức kỳ vọng hệ thống KCB trực tuyến này sẽ cung cấp một flatform để tạo thành một thế giới phẳng trong y tế. Từ trung tâm y tế cấp huyện, xã cũng có thể lên hệ thống này hỏi ý kiến của chuyên gia ở tuyến T.Ư. Mọi khoảng cách địa lý, sự phân cấp các tuyến điều trị sẽ được xóa nhòa. Dự án KCB từ xa của BV Nhi T.Ư cũng khai trương từ tháng 9/2020. Sau 6 tháng triển khai thực hiện, đến nay, BV Nhi T.Ư đã kết nối được 174 điểm cầu; thực hiện hội chẩn liên viện, liên chuyên khoa cho hơn 100 trường hợp bệnh nhân nặng. “BV Nhi T.Ư sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật chuyên môn với các đồng nghiệp tuyến dưới vì mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ sức khỏe trẻ em” - PGS.TS Trần Minh Điển chia sẻ. PGS.TS Trần Minh Điển khẳng định, trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, chương trình Telehealth lại càng phát huy hiệu quả khi vẫn đảm bảo được yêu cầu giãn cách xã hội.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế ) Lương Ngọc Khuê, mục tiêu của Đề án KCB từ xa là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, KCB, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến T.Ư. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Điều này góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải BV tuyến trên, nâng cao chất lượng KCB và sự hài lòng của người dân. Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, các hoạt động hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu, toàn ngành y tế đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản chính sách để đảm bảo Đề án phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu đề ra.
Theo đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” của Bộ Y tế có 24 BV tuyến trên (gồm 18 BV trực thuộc Bộ Y tế và 6 BV của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) tham gia. Ðề án hướng đến 5 mục tiêu cụ thể: Xây dựng và phát triển mạng lưới BV tuyến trên có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ BV tuyến dưới; Xây dựng và phát triển mạng lưới BV tuyến dưới gồm một số BV tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể cả BV tư nhân thực hiện KCB từ xa; Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại BV; Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, xa, khó khăn; Giảm chi phí KCB, chi phí BHYT của người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần