Khám phá “thủ phủ” sương sáo dùng để sản xuất nước giải khát tại miền Tây

YÊN NỘI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì những cây trồng truyền thống như mía, củ quả, nhiều năm nay, người dân miền Tây, đặc biệt tại vùng Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã chuyển qua trồng sương sáo (còn gọi là Tiên Thảo). Đây là thảo dược tự nhiên tốt cho sức khỏe, có hương thơm đặc biệt và là 1 trong 7 loại thảo dược để sản xuất Trà Thanh Nhiệt Dr Thanh.

Do ảnh hưởng của hạn mặn nên bà con nông dân xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đã chuyển sang trồng sương sáo thay cho cây mía. Ảnh: Huỳnh Xây
Nụ cười trên cánh đồng sương sáo
Về xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước những cánh đồng sương sáo trải dài xanh ngát và có hương thơm rất đặc biệt. Nơi đây được xem là thủ phủ của cây sương sáo ở khu vực miền Tây. Do thị trường tiêu thụ sương sáo ngày càng mạnh nên nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng sương sáo.
Loại thảo dược tự nhiên đặc biệt này không bao giờ cần sử dụng thuốc trừ sâu, các loại thuốc kháng sinh. Mọc và chăm sóc hoàn toàn tự nhiên trên những cánh đồng xanh mướt. Để ra được ruộng sương sáo, người dân phải đi bằng xuồng!
Trên cánh đồng sương sáo đang thu hoạch, lấy tay lau vội những giọt mồ hôi trên trán, lão nông Nguyễn Mạnh Thường hồ hởi giới thiệu về nghề trồng sương sáo.
Ông Thường kể, rất nhiều năm trước, ông chỉ biết trồng mía và bị thua lỗ liên tục do giá bán giảm, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Đến tháng 11/2019, được sự hướng dẫn của những người dân lân cận, ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng sương sáo.
Hiện nay, vụ sương sáo đầu tiên đã được thu hoạch, mặc dù theo tính toán, trừ tất cả chi phí sẽ không có lời nhưng ông Thường vẫn vui mừng và kỳ vọng ở vụ sau. Theo ông Thường lý giải, cũng như tất cả các loại nông sản khác, mùa khô vừa qua, nắng nóng kéo dài trong khi nước mặn xâm nhập mà sương sáo ông phát triển được và hoà vốn được là mừng.
“Mùa khô kéo dài chưa từng có nên tôi phải tưới nước mỗi ngày. Đó là chưa kể đến việc chi phí thuê người nhổ cỏ rất cao, có thể lên tới 6 triệu đồng/công (1.000m2). Tôi sẽ có lời ở vụ sau là vì vụ sau này không cần đầu tư gieo hạt nữa, gốc sương sáo cũ ở vụ trước sẽ phát triển lên cây con tươi tốt trong mùa mưa và cỏ cũng sẽ rất ít, không cần nhổ nhiều nữa. Đặc biệt loại cây này không bao giờ phải tốn chi phí thuốc trừ sâu” - ông Thường cho biết.
Cũng theo ông Thường, ở vùng đất này, cây sương sáo phát triển tốt và nhiều bà con trồng có hiệu quả. Với lại, nhiều người cùng làm chung với nhau để dễ học hỏi qua lại. “Tôi không biết gì thì qua hỏi người dân bên cạnh, họ sẽ chỉ này chỉ kia liền, tức là trồng cây này thì kỹ thuật trồng và đầu ra cũng ổn định, có nơi tiêu thụ hết, không lo như cây mía trồng trước đó”, ông Thường nói.

Ruộng sương sáo đang xanh tốt của anh Nguyễn Văn Phú. Ảnh: Huỳnh Xây

Cũng như ông Thường, anh nông dân Nguyễn Văn Phú đang có 7.000m2 trồng sương sáo đang phát triển xanh tốt. Qua trao đổi, anh Phú cho biết, anh đã trồng sương sáo nhiều năm và cũng chuyển đổi từ cây mía sang như nhiều hộ dân khác. 
Theo anh Phú, 1 năm trồng sương sáo 2 vụ, năng suất mỗi vụ đạt khoảng 600 kg/1.000m2. Với giá bán được bao tiêu là 20.000 đồng/kg sương sáo được phơi khô, lợi nhuận cho cả 2 vụ là trên 10 triệu đồng/1.000m2, phần lợi nhuận này phần lớn tập trung ở vụ sau. 

Số lượng Sương sáo (còn được gọi là Tiên thảo) thu mua ở xã Hiệp Hưng sẽ được anh T xuất bán cho phía Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát sản xuất Trà Thanh nhiệt Dr Thanh. Lý do anh T được phía Công ty chọn là nơi cung cấp sương sáo là vì chất lượng ổn định. Mỗi năm anh T cung cấp vài trăm tấn sương sáo cho Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Từ cánh đồng sương sáo đến hương thơm Trà Dr Thanh
Về xã Hiệp Hưng trong những ngày đầu tháng 5 sẽ thấy cảnh bà con đang rộn ràng thu hoạch sương sáo, rất nhiều sương sáo đã được phơi khô đang được vận chuyển từ ruộng về chất, phân loại rồi ép thành kiện.
Tại cơ sở thu mua sương sáo của anh T.T.T, anh cho biết bản thân sống ở tận tỉnh An Giang nhưng do sương sáo nơi đây có mùi hương thơm đặc biệt nên anh phải tìm đến tận xã Hiệp Hưng này xây dựng cơ sở thu mua, sống cùng bà con. Đây cũng là cơ sở duy nhất bao tiêu sương sáo của bà con trên địa bàn.
Anh T cho rằng, gia đình anh đã 3 đời thu mua sương sáo nhưng không có nơi nào có mùi thơm nhiều và đặc biệt lạ thường như nơi đây (có thể do thổ nhưỡng tác động - PV). Ngoài ra, cây sương sáo ở đây có sức sống tốt, mẫu mã nhìn rất đẹp, dễ xuất bán. Hơn nữa, tại Hiệp Hưng có diện tích trồng và sản lượng rất ổn định, được coi là vựa sương sáo tại Miền Tây.
“Tuy bà con trồng 2 vụ sương sáo/năm nhưng do bà con không xuống giống và thu hoạch đồng loạt như lúa nên lúc nào cũng có sương sáo cung cấp” - anh T nói.
 Lão nông Nguyễn Mạnh Thường vừa được thu hoạch và đang phơi khô sương sáo để bán đi. Ảnh: Huỳnh Xây
Cũng theo chia sẻ của anh T thì sương sáo của bà con sản xuất ra được anh thu mua và cung cấp cho Tập đoàn sản xuất nước giải khát Tân Hiệp Phát. 
Từng có thời gian làm ăn thua lỗ do mua giá cao nhưng bán ra giá thấp, sản phẩm thu vào không chất lượng không xuất bán được nên từ khi tìm được công ty ký kết tiêu thụ ổn định, thay vì mua theo giá thị trường như trước đây, từ năm 2019, anh T quyết định đứng ra thực hiện liên kết bao tiêu sương sáo cho bà con với giá cố định là 20.000 đồng/kg. Từ số hộ liên kết vài chục hộ ban đầu, đến nay đã có khoảng trên 200 hộ với khoảng 40 - 50ha thực hiện liên kết bao tiêu.
Để bà con nông dân thuận lợi trong việc trồng cây sương sáo, ngoài việc bao tiêu, anh T còn hướng dẫn kỹ thuật sao cho hạn chế tối đa chi phí, tăng năng suất và đặc biệt là đảm bảo mùi hương, mùi thơm đặc biệt của nói.
Theo đó, người dân nơi đây không bao giờ sử dụng thuốc hoá học, chỉ bón phân ở giai đoạn đầu để thúc đẩy cây phát triển mạnh nên sản phẩm khi thu hoạch rất sạch, không lẫn tạp chất hay. Chưa dừng lại ở đó, anh T còn hỗ trợ 2 triệu đồng/1.000m2 (hoàn lại khi thu hoạch) cho người dân để họ nhẹ vốn đầu tư ban đầu. 
Dẫn phóng viên vào kho chứa sương sáo khô mua về, anh T vui vẻ cho hay, anh có khoảng 20 nhân công theo phụ, làm ở các công đoạn, từ hướng dẫn người dân sản xuất đến thu mua, phân loại, phơi khô, ép thành kiện (khoảng 55kg/kiện) và vận chuyển tiêu thụ. Để cho “chắc ăn”, ở khâu thu mua, anh kiểm tra rất kỹ mùi thơm của sương sáo. Sau khi mua về, anh T còn phơi lại vài nắng để đảm bảo đúng độ khô đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến công ty thu mua. 
Với nguồn sương sáo ngày càng ổn định, ngoài việc cung cấp cho Tân Hiệp Phát, anh T còn đang xuất khẩu thêm qua Campuchia. “Nói về công dụng của sương sáo như thế nào thì bà con nhân dân ai cũng biết vì đây là một trong những thức uống thảo mộc tốt cho sức khỏe, có từ lâu đời, nên tôi tin rằng nghề trồng sương sáo của bà con nông dân sẽ còn tiếp tục phát triển”, anh T cho biết.

Trà Thanh nhiệt Dr Thanh được sản xuất từ 9 loại thảo mộc quý như Kim Ngân Hoa, Cam Thảo, Hoa Cúc, La Hán Quả, Hạ Khô Thảo, Tiên Thảo, Hoa Mộc Miên, Đản Hoa, Bung Lai. Sản phẩm đã được Viện y học ứng dụng Việt Nam nghiên cứu và đưa ra kết luận có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe như giúp thanh nhiệt, kháng viêm và tăng cường hệ miễn dịch rất tốt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần