Khẩn cấp ứng phó bão số 10 đang mạnh lên từng giờ

An Nguyên-Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến về các giải pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10.

Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cùng đại diện các sở, ngành cùng tham dự.
Ngay sau hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã vào Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo chống bão.

Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường cho biết, bão số 10 hiện chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, cũng là trọng tâm mà bão số 10 nhiều khả năng sẽ đổ bộ, khoảng 700km. Hiện, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được chừng 20km. Với nhận định bão đang di chuyển nhanh hơn, ông Cường dự báo khả năng sớm nhất bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình vào trưa 15/9, và muộn nhất là vào chiều mai (15/9). Về cường độ bão, nhận định của nhiều trung tam dự báo trong khu vực cho thấy, bão sẽ mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15. Đây cũng là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trước diễn biến của bão, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, từ hôm nay, vùng trọng tâm ảnh hưởng của bão số 10 thuộc các tỉnh Hà TĨnh - Quảng Bình sẽ có gió mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15. Các khu vực xa hơn trong bán kính khoảng 500km sẽ có gió nhẹ hơn, nhưng cũng đạt từ cấp 6 - 7, giật cấp 8. Từ ngày mai (15/9), các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Trị có mưa vừa, mưa to đế rất to với lượng mưa nhiều khu vực từ 300 - 400mm. Nguy cơ nước biển dâng cao, sóng lớn 3 - 4m nhiều khả năng xảy ra tại các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ. Cùng với đó, trên các sông từ Hà Tĩnh - Quảng Bình Quảng Trị sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở mức báo động 2 3. Kéo theo là nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hiện nay, công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn đang được Bộ đội biên phòng tuyến biển tập trung triển khai. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạm hoãn các công việc ít quan trọng để tậptrung đôn đốc, chỉ đạo việc kêu gọi tàu thuyền, phương tiện vào nơi trú tránh an toàn. Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đề nghị các địa phương cần tập trung cao độ, quyết liệt trong việc di dời các lồng bè, tàu thuyền hiện còn hoạt động trên biển. Đồng thời, cảnh báo hạn chế việc đi lại trên tuyến Quốc lộ 1 trong thời gian bão đổ bộ.

Thông tin về tình hình ứng phó với bão số 10, đại diện lãnh đạo một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh… cho biết, đã tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thị xã nhằm quán triệt tinh thần ứng phó với cơn bão mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua sẽ đổ bộ vào Trung Trung Bộ. Nhiều địa phương cho biết, đã và sẽ tổ chức “cấm biển” trong ngày hôm nay (14/9). Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 10 có thể gây ra, các địa phương đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung thu hoạch sớm diện tích lúa vụ Mùa (Hè Thu) theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả thì thiệt hại sẽ rất lớn; đánh giá cao sự chủ động của các cơ quan, lực lượng chức năng, của người dân trong triển khai các biện pháp ứng phó.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển.

Tiếp tục kiểm đếm, thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu khai thác thuỷ sản, tàu vận tải, tàu du lịch,…) biết diễn biến của bão, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

“Đây là trách nhiệm của các Đài thông tin duyên hải, Bộ Tư lệnh biên phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, chính quyền địa phương ven biển và gia đình các chủ tàu”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển; bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất của các lực lượng vũ trang hoạt động trên biển, các vùng biển đảo, các nhà giàn.
Toàn cảnh Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.
Đối với khu vực ven biển (nhất là tại các địa phương dự kiến bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Hoá đến Quảng Trị), Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm từ đêm ngày 14/9.

Cùng với đó, phải bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại nơi tránh trú, hướng dẫn sắp xếp, neo đậu an toàn, đối với khu vực vùng tâm bão có khả năng đổ bộ có thể kéo tàu thuyền lên bờ hoặc di chuyển sâu vào đất liền để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu như một số trận bão trước đây; chủ động di dời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi.
“Khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên các tàu thuyền (kể cả ở nơi neo đậu) khi bão đổ bộ vào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các địa phương cần tiếp tục rà soát, chủ động triển khai các biện pháp gia cố cần thiết để bảo vệ các tuyến đê biển, đê cửa sông, đặc biệt là các khu vực xung yếu, công trình đang thi công. Những việc này phải hoàn thành trước khi bão ảnh hưởng đến ven biển vào trưa ngày 15/9.

Trong đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất. Khi cần thiết, huy động lực lượng vũ trang, thanh niên,... hỗ trợ nhân dân thu hoạch.

Chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, công trình, đặc biệt lưu ý đối với những thiết bị, công trình dạng cột, tháp cao như cần cẩu, tháp truyền hình, cột ăng ten có chiều cao lớn, biển quảng cáo cỡ lớn, hệ thống lưới điện,…; chủ động chặt tỉa, có biện pháp bảo vệ cây xanh để hạn chế thiệt hại, nhất là tại các đô thị.
Khẩn cấp ứng phó bão số 10 đang mạnh lên từng giờ - Ảnh 3
Các Bộ, ngành, địa phương được yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện. Chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, đường hàng không tại các khu vực bão ảnh hưởng trực tiếp.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời người dân; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.

Yêu cầu Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn duy trì ứng trực, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. Bảo đảm toàn cho người và tài sản, an ninh tại các khu vực người dân sơ tán.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục tăng cường thông tin, cập nhật kịp thời diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó, tránh chủ quan.

Đối với TP Hà Nội - là một trong 25 địa phương sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 10, trong ngày hôm qua, cũng đã có Công điện số 14/CĐ-BCH chỉ đạo các sở ban ngành, các địa phương tập trung cao độ các biện pháp nhằm ứng phó với bão số 10. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, khi xảy ra mưa lũ, thiệt hại là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các đơn vị sở ngành, các địa phương cần cố gắng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do bão số 10 có thể gây ra cho Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần