Khẩn trương, chủ động để chuẩn bị triển khai quản lý theo mô hình chính quyền đô thị

Linh Nguyễn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sẵn sàng triển khai quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, quận Hai Bà Trưng, một trong những quận lớn của Hà Nội đã sớm thực hiện các bước chuẩn bị bài bản, nghiêm túc, nhất là về công tác cán bộ. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Trưởng phòng Nội vụ quận Lê Bích Hằng.

 Trưởng phòng Nội vụ quận Lê Bích Hằng.
Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021 theo Nghị quyết 97/2019/QH14, với đặc thù quy mô lớn, đông dân, quận đang tiến hành các bước chuẩn bị ra sao, thưa bà?

- Sau khi có Nghị quyết 97/2019/QH14, UBND quận nhanh chóng rà soát đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) tại UBND 18/18 phường, từ đó ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, tin học, tiếng Anh... Đầu tháng 3/2021, Sở Nội vụ ra văn bản yêu cầu các quận, thị xã đăng ký cho CBCC phường tham gia đào tạo bồi dưỡng, từ đó quận đã có 1 - 2 lớp được đào tạo theo chương trình này (khoảng 40 người, học 3 buổi/tuần).

Theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành để triển khai Nghị quyết 97, có khá nhiều điểm mới quận, phường phải thực hiện. Nổi bật là công chức tư pháp phường được chứng thực giấy tờ khi được Chủ tịch phường ủy quyền, với điều kiện có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm, trung thực. Để chuẩn bị công tác cán bộ đáp ứng mô hình mới, Phòng Nội vụ phối hợp Phòng Tư pháp sẽ rà soát, xem xét khả năng chuyên môn của mỗi công chức này đáp ứng được tiêu chuẩn không, nếu không thì tính đến luân chuyển cán bộ.

Bỏ HĐND phường khiến khối lượng công việc chính quyền phải thực hiện sẽ lớn hơn nhiều, để sẵn sàng cho điều đó, quận có phương án ra sao, thưa bà?

- Nhằm đáp ứng khối lượng công việc lớn, quận sẽ tăng số lượng lãnh đạo phường tham gia đại biểu (ĐB) HĐND cấp quận so với nhiệm kỳ trước, cũng để phản ánh được nhiều ý kiến cử tri ở cấp phường lên quận. Đồng thời, để thực hiện khối lượng công việc ở cấp quận lớn hơn trước, từ năm nay, quận tăng số ĐB HĐND chuyên trách theo quy định (trong tổng số tối đa 35 ĐB HĐND quận nhiệm kỳ này); đồng thời, đã rà soát CBCC cấp quận để khi thực hiện chính quyền đô thị đặt ra các tình huống thì đáp ứng được. Hiện quận có 141 biên chế, thiếu 16 người; khi thực hiện chính quyền đô thị có các công chức cơ sở được thẩm định thành công chức hành chính, Chủ tịch UBND quận sẽ điều động vào các vị trí thiếu đó.

Từ thực tế cơ sở, theo bà, khi thực hiện chính quyền đô thị mang lại lợi ích ra sao đối với công tác quản lý của chính quyền và với người dân, đồng thời có những khó khăn gì cần khắc phục?

- Theo tôi, cái lợi thấy rõ khi không tổ chức HĐND phường là tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước. Với người dân và DN, việc cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mạnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Thực tế cũng cho thấy, thực hiện Nghị định mới ban hành để triển khai chính quyền đô thị sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho CBCC cấp phường. Từ trước đến nay, để được điều chuyển từ công chức cấp phường (công chức cơ sở) lên công chức cấp quận (công chức hành chính) thì nhiều khi chưa đủ điều kiện thời gian, nhưng tới đây sẽ có cơ hội nhiều hơn. Ngay như Chủ tịch UBND phường, trước đây là công chức cơ sở muốn được làm việc ở phòng, ban UBND quận, phải qua quy trình bổ nhiệm và điều chuyển, khắt khe, nhất là phải có thời gian công tác tối thiểu 5 năm; nhưng nay, nếu đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn về tin học, tiếng Anh, bồi dưỡng quản lý ngạch chuyên viên thì được điều chuyển thành công chức quận (sau khi Sở Nội vụ thẩm định).

Chúng tôi nhận thức rõ, khi không còn HĐND phường, quản lý thuận lợi hơn do thu gọn đầu mối, nhưng quan trọng là nhiệm vụ giám sát hoạt động của chính quyền địa phương được chuyển lên cho cấp quận, nên cấp quận buộc phải sắp xếp để thực hiện tốt được nhiệm vụ đó; đòi hỏi CBCC quận nâng cao năng lực trình độ, bởi trách nhiệm nặng nề hơn. Chúng tôi đã quán triệt CBCC từ quận tới 18/18 phường trau dồi kỹ năng, so với điều kiện tiêu chuẩn để đáp ứng vị trí việc làm của mình đã đảm bảo chưa, nếu thiếu thì phải tham gia bồi dưỡng do quận tổ chức hoặc tự đi học.

Còn về vướng mắc, theo tôi, hiện chưa phát sinh những vướng mắc lớn, ngoại trừ thời gian yêu cầu ngày 25/5 các quận hoàn thành rà soát lập danh sách, hồ sơ đề nghị gửi Sở Nội vụ thực hiện thẩm định để xét chuyển từ công chức cơ sở thành công chức hành chính. Đây là thời gian cao điểm chuẩn bị cuộc bầu cử, nên rất gấp cho cơ sở, rà soát hồ sơ khó tránh sai sót, nếu được xem xét lùi thời hạn này thì sẽ tốt hơn trong thực hiện.

Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần