Khẳng định giá trị trường tồn

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây tròn nửa thế kỷ, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được công bố trước toàn Đảng, toàn dân và đông đảo bạn bè quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người, rất nhiều các đơn vị, cá nhân đã thể hiện tinh thần và hoạt động phát huy tư tưởng, phẩm chất mà Hồ Chí Minh đã gửi gắm trong bản Di chúc.
Di sản của quốc gia
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân bản Di chúc lịch sử. Viết về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu: “Bản Di chúc tuy ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đem lại sự đổi đời của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời để lại những di sản bất hủ đối với những thế hệ mai sau”.
 Người dân tham quan triển lãm ''Di chúc của Bác - Nguồn sáng dẫn đường''. Ảnh: Lại Tấn
Với hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, triển lãm “Di chúc của Bác - Nguồn sáng dẫn đường” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam giới thiệu khái quát những hình ảnh thể hiện nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: Bộ quần áo kaki Bác đã sử dụng từ năm 1954 đến 1969; đôi dép cao su Bác đã sử dụng từ năm 1960 đến 1969; máy chữ Bác đã sử dụng khi sống và làm việc tại Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch; đặc biệt là bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có cả chữ ký người chứng kiến của Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn.
Bên cạnh đó, trong những tháng ngày kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức các chương trình, trưng bày hình ảnh, hiện vật nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại như: Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề “Hành trình vươn tới ước mơ 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Hội thảo “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (1969 - 2019)” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức; Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức chương trình giao lưu toàn quốc “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng”.
Không chỉ vậy, từ năm 1989 đến nay, Văn phòng Lưu trữ T.Ư Đảng đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm lưu giữ, bảo tồn di sản - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Cục trưởng Cục Lưu trữ văn phòng T.Ư Đảng Hoàng Anh Tuấn: “Từ năm 1989 đến nay, Cục Lưu trữ Văn phòng T.Ư Đảng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác phát huy giá trị của bản Di chúc thông qua các hình thức như: Công bố bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hồ Chí Minh toàn tập. Xuất bản cuốn sách Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các năm 2004, 2012 và 2014. Phục vụ việc ghi hình của các đài truyền hình, hãng phim trong nước…”.
Làm theo lời Bác dặn
50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những giá trị tư tưởng to lớn và đặc sắc đã trở thành Cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Nhìn lại quá trình này là một dịp để chúng ta tiếp tục ghi tạc và tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp để chúng ta kiểm nghiệm và khẳng định những giá trị trường tồn của bản Di chúc lịch sử đối với cách mạng Việt Nam”.
Chiến tranh qua đi, mỗi người con đất Việt đều có một cách học tập, làm theo Di chúc của Bác. Đơn cử, họa sĩ Đặng Ái Việt - người chuyên vẽ về đề tài nhân chứng lịch sử, cụ thể là các bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
“Nhiều mẹ, tôi vừa vẽ, vừa khóc. Khóc vì thương mẹ, vì câu chuyện quá đau thương. Có mẹ yếu quá, ngồi dậy không nổi mà đôi mắt vẫn ngóng trông vô vọng bóng dáng thân yêu của người con đi xa vẫn chưa về. Gặp tôi, các mẹ mừng lắm, đơn giản vì có người trò chuyện. Mẹ nào cũng dặn tôi nhớ quay lại thăm mẹ. Tôi xem đây là công việc của trái tim. Được gặp, trò chuyện, nắm tay, ôm hôn các mẹ là niềm hạnh phúc” - họa sĩ Đặng Ái Việt kể.
Giống như họa sĩ Đặng Ái Việt, ông Lâm Văn Bảng đã tập hợp một số cựu tù binh Phú Quốc và các nhà tù khác, liên hệ với Ban liên lạc tù binh vào Nam ra Bắc sưu tầm tài liệu, hiện vật có giá trị tố cáo tội ác của đế quốc và tinh thần dũng cảm của anh em tù binh. Khi đã có tư liệu, ông đã xây dựng phòng truyền thống tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.
Ông Lâm Văn Bảng chia sẻ: “Tôi muốn nơi đây là một góc tái hiện lịch sử dân tộc, nơi giáo dục cho lớp trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mà không sách vở nào thay thế được”. Mỗi người mỗi việc để xoa xịu nỗi đau chiến tranh, tiến tới cuộc sống hòa bình ấm no, và họ đều xứng danh là con cháu cụ Hồ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần