Khẳng định thương hiệu du lịch Thủ đô

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Hà Nội lần đầu tiên lọt vào danh sách 17 ứng cử viên của hạng mục “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới năm 2018” thuộc Giải thưởng Du lịch thế giới uy tín nhất không chỉ góp phần định vị thương hiệu du lịch Hà Nội trên bản đồ thế giới, mà còn cho thấy nỗ lực của TP Hà Nội nhằm tạo dựng môi trường du lịch “An toàn-Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đã được ghi nhận.

Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tổ chức sự kiện đón vị khách quốc tế đầu tiên đến Hà Nội năm 2018.
Định vị thương hiệu
Năm 2018, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 25,408 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến ước đạt 5,5 triệu lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017 (bao gồm 3,96 triệu lượt du lịch quốc tế đến có lưu trú); khách du lịch nội địa ước đạt 20 triệu lượt, tăng 5% so với cùng kỳ 2017. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 75.783 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị phần chiếm gần 40% so với tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Thời gian gần đây, du lịch Hà Nội được nhiều trang website du lịch, truyền hình và báo chí quốc tế uy tín trên thế giới như CNN, Discovery, Business Insider đánh giá tích cực. Tiêu biểu như Travel and Leisure (Mỹ), Smart Travel Asia (HKG) bình chọn Hà Nội đạt danh hiệu Top 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Đặc biệt, Hà Nội được tạp chí TripAdvisor liên tiếp bầu chọn là điểm đến hấp dẫn thứ 2 châu Á và trong top 10 thế giới 2 năm 2016, 2017. Mastercard bình chọn Hà Nội đứng thứ 7/10 TP tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Airbnb bình chọn Hà Nội là điểm đến dẫn đầu xu hướng du lịch 2018. Pinterest bình chọn Hà Nội xếp thứ 3/20 điểm đến được nhiều người mơ ước đến thăm nhất thế giới…
 Hình ảnh du lịch Hà Nội trên kênh CNN.

Đặc biệt, cuối năm 2018, lần đầu tiên Hà Nội được đề cử là một trong 17 ứng cử viên của hạng mục “Điểm đến TP hàng đầu thế giới năm 2018” của Giải thưởng Du lịch thế giới uy tín nhất World Travel Awards, được ví như “Giải Oscar của ngành công nghiệp không khói”. Đây là cơ hội để Thủ đô Hà Nội quảng bá hình ảnh về lịch sử và con người Hà Nội - Việt Nam tới du khách quốc tế, tạo thêm lợi thế trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Hà Nội và Việt Nam trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng môi trường du lịch

Theo các chuyên gia du lịch, việc lần đầu tiên Hà Nội được đề cử tranh giải hạng mục “Điểm đến TP hàng đầu thế giới năm 2018” cho thấy thương hiệu du lịch Thủ đô đã được định vị trên bản đồ du lịch thế giới. Mặt khác, các giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng thêm nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn để tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của khách và thu hút khách quay trở lại đã đạt hiệu quả.
Du khách quốc tế tại Hồ Gươm. 
Ngay từ đầu năm, Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai Kế hoạch tổ chức khảo sát, tọa đàm xây dựng sản phẩm du lịch tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP năm 2018, theo định kỳ mỗi tháng một lần. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến, thông qua các công ty lữ hành đưa khách về với các địa phương. Song song với đó, Sở đã tổ chức 16 lớp, khóa bồi dưỡng kiến thức cho hàng nghìn cán bộ công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng dân cư, nhân viên các khách sạn 2 - 3, hướng dẫn viên đổi thẻ trên địa bàn TP.
  Thương hiệu du lịch Thủ đô đã được định vị trên bản đồ du lịch thế giới
Sở Du lịch Hà nội đã phối hợp với VNPT Hà Nội hoàn thiện, trình UBND TP phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống du lịch thông minh giai đoạn 2018 - 2020; Xây dựng hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu của Sở; Triển khai đầu số hỗ trợ tư vấn, giải đáp thông tin du lịch Hà Nội 1800556896. Qua đó, đáp ứng như cầu tra cứu, giải đáp thông tin của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Năm 2018, bộ phận Thông tin - Hỗ trợ khách du lịch đã tiến hành hỗ trợ, cung cấp thông tin cho 10.749 lượt khách du lịch về các tuyến điểm du lịch, giải đáp thông tin khách sạn, bến xe bus. Thanh tra Sở thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động du lịch tại các điểm đến du lịch; tiếp nhận, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị các khách du lịch qua đường dây nóng…
 Du khách quốc tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Đặc biệt, chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch của Hà Nội đã và đang có sự chuyển biến cả về chất và lượng thông qua nhiều sự kiện, hoạt động trong nước cũng như quốc tế. Năm 2018, UBND TP Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã chủ trì và cùng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều chương trình, sự kiện như: “Đón vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Thủ đô Hà Nội năm 2018”; Chương trình du Xuân hữu nghị năm 2018; Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội năm 2018; Hội nghị trao đổi xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Hà Nội - Nhật Bản năm 2018; Hội nghị Hội đồng Xúc tiến Du lịch châu Á lần thứ 16 (CPTA 16); Đón đoàn DN và báo chí Nhật Bản tới khảo sát… Từ ngày 5 - 10/10, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Vietnam Airlines đón đoàn 25 DN lữ hành từ 12 quốc gia châu Âu đến khảo sát. Qua đó, tạo cơ hội cho các DN du lịch được trực tiếp trao đổi, giới thiệu các sản phẩm; tăng cường quan hệ hợp tác giữa các bên.
Hình ảnh du lịch Hà Nội trên kênh CNN.
Cùng với đó, chương trình hợp tác với CNN thực hiện quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh CNN quốc tế giai đoạn 2017 - 2018 đã phát huy hiệu quả tích cực và được coi là “cú hích” quảng bá du lịch Thủ đô. Hàng trăm sản phẩm lên sóng CNN trong gần hai năm qua đã thu hút sự quan tâm, đánh giá tích cực từ khán giả, du khách, các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế. Qua đó, tạo hiệu ứng quảng bá tốt về hình ảnh Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Minh chứng là có tới 91% khán giả của CNN muốn đến du lịch Hà Nội sau khi xem các phim quảng cáo.

Tiếp tục phát huy những thành công đó, năm 2019, Hà Nội phấn đấu phục vụ 27,83 triệu lượt khách, trong đó có 6,33 triệu lượt khách quốc tế (bao gồm 4,55 triệu khách quốc tế có lưu trú); tổng thu từ du khách đạt 81.813 tỷ đồng; công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt từ 60% - 65%; đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch cho khoảng 78.626 người.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần