Khánh thành nhà máy sản xuất xe khách “made in Vietnam”

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/12, tại Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự lễ khánh thành Nhà máy Bus Thaco của Công ty Ô tô Trường Hải tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai Trường Hải.

Đây là nhà máy sản xuất dòng xe khách cao cấp hoàn toàn mới, mang thương hiệu Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa trên 60%, công suất thiết kế 20.000 xe/năm; tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng. Với định vị là nhà máy xe khách lớn nhất Đông Nam Á, Nhà máy Bus THACO được đầu tư các dây chuyền công nghệ mới, hiện đại.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ khánh thành. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp trên địa bàn; biểu dương Công ty Ô tô Trường Hải đã tiên phong để tạo ra những sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc duy trì và từng bước phát triển ngành công nghiệp ô tô có vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế đất nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô của người dân trong giai đoạn phổ cập ô tô thời gian tới, đồng thời tạo tác động lan tỏa trong nền kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần hạn chế thâm hụt cán cân thương mại và củng cố an ninh, quốc phòng.

 Hình ảnh tại lễ khánh thành. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành đã được phê duyệt, thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đạt được một số kết quả quan trọng. Tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô đạt khoảng trên 460.000 xe/năm, gồm nhiều chủng loại xe con, xe tải và xe khách. Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỉ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản nhu cầu của thị trường. Mỗi năm, ngành công nghiệp ô tô đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.
 
Bên cạnh những kết quả trên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Chưa tự thiết kế, sản xuất được những mẫu xe phù hợp với điều kiện giao thông, nhu cầu sử dụng của người Việt Nam. Cùng với đó, mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hoá cao (60%) đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đã không thực hiện được. Giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Các doanh nghiệp trong ngành mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, một số sản phẩm nhựa…; chưa tạo ra được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hoá trong sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng, linh kiện…

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển ô tô Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung để tạo ra thương hiệu ô Việt Nam có chất lượng, với giá hợp lý, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực trong bối cảnh Việt Nam mở cửa thị trường, hội nhập sâu rộng với quốc tế.

 
“Các doanh nghiệp cần cố gắng tham gia sâu nhất vào chuỗi giá trị của các thương hiệu từ các tập đoàn toàn cầu hiện có. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có sản lượng sản xuất lớn tại Việt Nam, đồng thời thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất có định hướng vào thị trường “ngách”, các hãng xe, dòng xe chưa có cơ sở sản xuất lớn tại thị trường ASEAN để tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Với ô tô Trường Hải, Phó Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản trị để tạo thêm nhiều sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt Nam. Tỉnh Quảng Nam cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có ô tô Trường Hải để hướng đến xây dựng Quảng Nam trở thành một trung tâm về sản xuất và lắp ráp ô tô của khu vực miền Trung và cả nước.

“Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục các chính sách, giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đặc biệt là có các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Cũng trong ngày 8/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công trường thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; thăm hỏi, tặng quà, động viên các nhà thầu đang thi công trên công trình.

Phó Thủ tướng yêu cầu VEC đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phải là hình mẫu về tiến độ, chất lượng cho toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam đang chuẩn bị triển khai trong thời gian tới.

Đối với các vướng mắc về nguồn vốn, tiến độ giải ngân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổng hợp, làm việc với các bộ ngành, địa phương để xử lý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần