Khánh thành và khởi công các dự án giao thông quan trọng của Thủ đô: Hoàn thiện hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/1, công trình nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Cùng với đó, dự án cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2, cũng đã được khởi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo TP, các bộ, ngành thực hiện nghi thức gắn biển công trình nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Thanh Hải
Điểm nối hai tuyến đường trọng yếu
Tham dự Lễ khánh thành nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng lãnh đạo các bộ, sở, ngành T.Ư và TP Hà Nội.

Nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Vành đai 3 và trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau khi hoàn thành, nút giao đã kết nối trực tiếp huyện Gia Lâm với quận Long Biên, tạo nên hướng lưu thông khá thuận tiện, là tiền đề để phát triển đô thị cho huyện Gia Lâm. Mặt khác, trước đây toàn bộ các phương tiện từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào đường Cổ Linh hay cầu Vĩnh Tuy phải sử dụng các đường tạm. Tương tự, từ cầu Thanh Trì đi về phía quận Long Biên cũng phải vòng qua nút giao khu đô thị Ecopark rồi rẽ vào đường Cổ Linh. Khi dự án hoàn thành, các hướng lưu thông này sẽ được kết nối thẳng vào đường Cổ Linh, tránh cho phương tiện phải đi vòng nhiều cây số.

Đại diện chủ đầu tư, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, dự án được khởi công ngày 6/1/2020. Dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng sau 12 tháng thi công quyết liệt, đã hoàn thành vượt tiến độ 2 tháng, đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng vào đúng dịp cả nước và Nhân dân Thủ đô Hà Nội đang vui tươi, phấn khởi chuẩn bị đón mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Dự án có điểm đầu từ Km 0-420 (kết nối với đường Cổ Linh) và điểm cuối tại Km1+065,74 (kết nối với đoạn tuyến cao tốc đã thi công Giai đoạn 1); chiều dài gần 1,5km; xây dựng trực thông nối đường Long Biên - Thạch Bàn với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chiều rộng mặt đường từ 33 - 51m. Phạm vi nút theo hướng đường Vành đai 3: Từ Km10+040 đến Km10+660 (lý trình đường Vành đai 3) với chiều dài 620m, chiều rộng 26,50m.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, việc khánh thành, đưa công trình vào khai thác có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho các phương tiện tham gia giao thông kết nối ra vào nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ với mạng lưới giao thông trong khu vực; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh; góp phần giảm thiểu UTGT và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2. Ảnh: Thanh Hải
Chạy đua với thời gian

Cùng ngày, dự án cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2 chính thức khởi công, với tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Dự án sẽ xây dựng thêm một cây cầu song song cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 về phía hạ lưu. Đồng thời còn có hạng mục thảm lại và tổ chức giao thông của cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 để phù hợp với công tác tổ chức giao thông sau khi hoàn thành toàn bộ cầu Vĩnh Tuy gồm cả hai giai đoạn.

Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 8. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; điểm đầu tại Km0+840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai; điểm cuối tại Km4+312,62, giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu 19,25m, tương đương 4 làn xe.

Đây là dự án trọng điểm nhóm A, được chuyển đổi hình thức đầu tư từ BT sang vốn đầu tư công. Tháng 2/2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; Tháng 10/2020, UBND TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Tháng 11/2020, Sở GTVT thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình. Để có thể gấp rút hoàn thành các khâu thủ tục, đấu thầu và khởi công được dự án theo dự kiến, chủ đầu tư - Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP đã phải rất nỗ lực chạy đua với thời gian.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định, dự án xây dựng Cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2 nằm trong danh mục công trình trọng điểm, nhằm mục tiêu hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của TP; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc TP. Bên cạnh đó sẽ cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo ATGT, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần