Khâu trung gian đang ép giá thịt lợn hơi?

Kim Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Giá thịt lợn chênh lệch khá cao giữa người chăn nuôi và người mua. Phải chăng khâu trung gian đang chèn ép?

Khâu trung gian đang chèn ép người nuôi lợn

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, giá thịt lợn tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang dao động khá cao mặc dù giá thịt lợn hơi thì đang thấp. Hiện nay, thịt lợn hơi đang có giá dao động từ 18.000 – 24.000 đồng/kg.

Ghi nhận tại hệ thống siêu thị BigC Sư Vạn Hạnh (quận 10), giá thịt lợn có phần giảm mạnh so với trước đây. Theo đó, xương lợn 48.000 đồng/kg, thịt đùi 59.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 99.000 đồng/kg…

Trong khi đó, tại quầy hàng Vissan nằm trong siêu thị Co.opmart (quận 10), giá thịt lợn lại khá chênh lệch so với siêu thị BigC. Cụ thể, thịt đùi 80.500 đồng/kg, chân giò 66.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 85.000 đồng/kg.
 Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá trên 100.000 đồng/kg trong các siêu thị.
Thị trường thịt lợn có nhiều biến động, có thể lý giải bởi 2 lý do: lợn nhập khẩu tăng và khâu trung gian đang chèn ép người chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Công thương đưa ra, cả năm 2016, Việt Nam nhập 39,4 nghìn tấn thịt lợn và các sản phảm liên quan đến thịt lợn từ Australia, EU, Mỹ, Canada. Giá trị nhập khẩu đạt 44 triệu USD, chỉ chiếm 0,1% sản lượng tiêu thụ trong nước. Điều này không ảnh hưởng đến thị trường thịt lợn trong nước.

Trong 20 năm trở lại đây, lần đầu thịt lợn rớt giá thảm hại như thế khiến người nông dân điêu đứng. Theo cập nhật, ngày 4/5/2017, trong khi giá thịt lợn hơi ở mức dưới 24.000 đồng/kg thì giá thịt lợn bình ổn thị trường vẫn ở mức 82.000 đồng/kg. Vậy các khâu trung gian (thu mua, giết mổ và phân phối lợn) đang ép giá người chăn nuôi có thể là một trong những lý do dẫn đến thị trường thịt lợn biến động trong thời gian qua?

Câu chuyện về việc “giải cứu” thịt lợn tại Đồng Nai là một ví dụ rõ nét nhất. Các cửa hàng bán thịt lợn sạch bình ổn tại TP Biên Hòa do Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai mỗi ngày bán tổng cộng hàng chục tấn thịt lợn. Các lực lượng chức năng thu mua thịt lợn hơi của người dân với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn với giá thương lái thu mua khoảng 25%. Tuy nhiên, giá bán 1kg thịt ba chỉ khoảng 60.000 đồng/kg thấp hơn giá thịt lợn bình ổn là 22.000 đồng/kg.

Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, mặc dù họ mua lợn với giá cao và bán với giá thấp nhưng khi trừ các chi phí, các đơn vị chức năng vẫn có lợi nhuận khoảng từ 5-10%.

“Giải cứu” đến bao giờ?

Thịt lợn hơi rớt giá và người dân vào cuộc “giải cứu”. Đây không phải là câu chuyện mới bởi trước đó nhiều nông sản khác như dưa hấu, chuối… cũng rớt giá và được “giải cứu”. Nhưng “cứu” thịt heo thì những nông sản khác sẽ thế nào?

Thực tế, thời gian qua, nhiều người chăn nuôi gia súc lớn (bò, trâu) hoặc chăn nuôi gia cầm (gà, vịt) và thuỷ sản đã bị giảm lượng hàng hoá tiêu thụ rõ rệt.

Có thể thấy, đây không còn là chuyện giúp những người chăn nuôi lợn mà trở thành bài toán thị trường và cần có đáp án để sớm đưa mọi thứ trở lại ổn định.

Chiều qua, trong cuộc họp báo Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian tới sẽ tập trung vào 3 giải pháp: Thứ nhất là phải giải quyết tốt quan hệ cung-cầu, đồng thời rà soát để bảo đảm tổng đàn lợn, quy mô đàn có cơ cấu hợp lý. Thứ hai là tổ chức liên kết chuỗi. Thứ ba là giải quyết vấn đề mở thị trường, ở đây là thị trường Trung Quốc.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, người chăn nuôi cần phải tham gia chuỗi giá trị, ký kết thoả thuận rõ ràng với bên bao tiêu sản phẩm. Khi đó, họ mới nắm rõ việc nuôi bao nhiêu con, quy trình nuôi thế nào. Thế nhưng, việc tạo chuỗi và tham gia vào chuỗi giá trị lại gặp nhiều khó khăn, vì người dân có xu hướng chạy theo thị trường. Khi giá cả tăng thì lại cùng nhau xây chuồng trại nuôi lợn. Việc người dân ồ ạt đầu tư xây chuồng trại tăng đàn lợn đã diễn ra từ tháng 6/2016. Mặc dù Bộ NN&PTNT đã cảnh báo các địa phương không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá (ngay cả trong thời điểm giá lợn hơi tăng trên 50.000 đồng/kg).Nhưng chỉ 6 tháng sau, giá lợn hơi từ mức cao kỷ lục 56.000 đồng/kg xuống còn 24.000 đồng/kg.

Chính vì, người dân vốn quen làm ăn nhỏ lẻ, mạnh ai người ấy làm nên việc họ ngại thay đổi và làm việc theo qui trình, có sự ghi chép, bởi vậy để người dân tham gia vào chuỗi giá trị sẽ gặp nhiều khó khăn.