Khi 9X viết thư pháp

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với Phan Thanh Hoàng, điều quan trọng là niềm hạnh phúc khi góp phần gìn giữ và lan tỏa lời hay ý đẹp, nét đẹp ngàn đời của người Việt Nam, chứ không phải nặng về mục đích kinh doanh.

Chàng trai 9X Phan Thanh Hoàng không chỉ góp phần lưu giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn có thể “sống thoải mái” bởi thu nhập từ nghề viết thư pháp. Nhưng với Hoàng, điều quan trọng là niềm hạnh phúc khi góp phần gìn giữ và lan tỏa lời hay ý đẹp, nét đẹp ngàn đời của người Việt Nam, chứ không phải nặng về mục đích kinh doanh.
Năm 2010, Phan Thanh Hoàng, sinh năm 1992, quê ở Hà Tĩnh thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, sau một năm, cậu quyết định chuyển sang thi và đỗ vào trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Hoàng cho biết: “Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chính là nơi khởi đầu cho mình đến với nghệ thuật thư pháp”. Hoàng kể, ngày còn học đại học, trong một lần tham gia hiến máu nhân đạo tại trường. Sau khi qua khâu xét nghiệm, ngồi ở khu vực chờ hiến máu, cậu đã rất sợ hãi và nghĩ đến phương án từ chối. Tuy nhiên, nhìn mọi người hiến máu xong, ai nấy đều vẫn khỏe mạnh, vui vẻ. Đặc biệt, họ được nhận thêm một phần quà thư pháp do ông đồ viết tặng. Thế là mọi cảm giác sợ hãi tan biến, chàng trai dũng cảm tham gia hiến máu và hơn nữa là cảm phục lòng nhân ái của mọi người. Đây cũng lý do khiến Phan Thanh Hoàng quyết tâm theo đuổi thư pháp, đem nét chữ của mình tặng mọi người, nhất là những người tham gia hiến máu tình nguyện.
Nét chữ rồng bay, phượng múa của chàng trai 9X được lan tỏa tới đông đảo mọi người.
Từ đó, Phan Thanh Hoàng học hỏi và bắt đầu tập viết thư pháp. Ban đầu, những nét chữ còn chưa như ý muốn, nhìn hẵng còn chệch choạc nhưng vốn có “duyên” và tố chất với nghệ thuật thư pháp, Hoàng nhanh chóng viết đẹp. Những nét chữ của cậu như “rồng bay phượng múa”. Hoàng chia sẻ: “Có lẽ bản thân mình sinh ra để gắn bó với thư pháp nên rất ít gặp trở ngại trong nghề. Mình rất hạnh phúc khi trở thành người lưu giữ hồn chữ Việt, mang thành ngữ, lời hay ý đẹp, chân lý sâu sắc truyền tải qua những dòng chữ đến với cộng đồng”. Để có tay nghề “cứng” như ngày hôm nay, Hoàng đã tìm đến một số thầy giáo dạy viết thư pháp học hỏi. Cậu từng phải sống rất tiết kiệm để đầu tư tiền mua tứ bảo, bút, nghiên, giấy, mực… phục vụ cho niềm đam mê thư pháp của mình. Với tố chất vốn có, chàng trai 9X này học rất nhanh và tự mày mò tìm hiểu, và rèn giũa tay nghề.
Nhớ lại những ngày còn là sinh viên, trong khi bạn bè chuẩn bị đồ đạc đón tết cùng gia đình thì Hoàng lại len lỏi khắp các con phố ở Hà Nội mua sắm cho mình đồ nghề để làm thêm. Từ ngày tốt nghiệp đại học, không theo chuyên ngành phát hành sách mà chàng trai chuyên tâm “phát hành chữ”- viết thư pháp. Công việc này giúp cậu kiếm được khoản tiền lớn trang trải cuộc sống ở Thủ đô và có dư dả tích lũy để xây dựng cơ đồ sau này. Hoàng cho biết, mỗi dịp tết đến, xuân về, đầu năm, cậu có thể kiếm được 60 triệu đồng/tháng từ việc viết thư pháp tại chùa.
Gây dựng được thương hiệu cá nhân, lại tham gia tích cực phong trào tình nguyện từ ngày còn đi học, nhất là hiến máu nhân đạo, Hoàng thường được Ban tổ chức nhiều sự kiện mời đến thư pháp, tặng chữ cho người hiến máu. Đây vừa là nơi cho Hoàng trau dồi thêm kĩ năng, vừa là cơ hội để chàng trai phát triển sự nghiệp và thương hiệu của bản thân. Để có thêm kiến thức về nghề viết thư pháp, hằng ngày, Phan Thanh Hoàng lên mạng tìm kiếm những châm ngôn hay đang được giới trẻ ưa chuộng để bổ sung vào bộ sưu tập thư pháp của mình. Chính vì thế, nhiều bạn trẻ rất thích thú với những sản phẩm thư pháp do chính tay Hoàng viết.
Hoàng ít khi viết tác phẩm trên những chất liệu quý và đắt tiền. Cậu thường trình bày trên những trang giấy phổ dụng và tập trung vào chủ đề dễ hiểu, dễ cảm nhận. Chàng trai 9X viết bằng cả niềm đam mê, lòng nhân ái, nhằm truyền tải giá trị quý báu của tình yêu thương giữa người với người. Theo Hoàng, người viết thư pháp ngoài sự khéo tay cần phải có tính kiên trì, lòng nhẫn nại, tâm hồn trong sáng, thì mới có thể tạo ra nét chữ đẹp, có hồn. Với Hoàng, niềm hạnh phúc khi góp phần gìn giữ và lan tỏa lời hay ý đẹp, nét đẹp ngàn đời của người Việt Nam, chứ không phải nặng về mục đích kinh doanh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần