Khi công nghệ làm “bảo mẫu”

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc sống ngày nay, khi mà công nghệ phát triển như “cơn lốc”, không thể tránh khỏi việc trẻ em sử dụng các phương tiện kỹ thuật số từ rất sớm.

Nếu như người lớn không có biện pháp quản lý, trẻ em sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tinh thần.
Sự thỏa hiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Từ nhiều năm nay, cảnh các ông bố bà mẹ dùng điện thoại, máy tính bảng để dỗ con đang trở thành phổ biến. Và tần suất trẻ dán mắt liên tục vào điện thoại và tỏ ra thích thú khi xem các chương trình trên mạng xã hội (MXH) ngày càng tăng lên. Mỗi lần trẻ khóc ăn vạ, không chịu ăn uống, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, mọi chuyện đều mau chóng ổn thỏa… Cứ thế, ngày này qua tháng khác, hành động đó trở thành một “sự thỏa hiệp” đầy rủi ro giữa bố mẹ và “bảo mẫu” công nghệ. Bác sĩ Mandy Saligari, một chuyên gia điều trị chứng nghiện điện thoại ở trẻ em tại Anh đã ví rằng: Đưa điện thoại cho trẻ cũng giống đưa cho chúng 1g cocain.
Phụ huynh cần quản lý ứng dụng mà trẻ dùng trên điện thoại và quy định thời gian sử dụng.
Vừa qua, tại tọa đàm “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” của Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), các chuyên gia đã tập trung phân tích các rủi ro của trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Đa số đều cho rằng khi trẻ em nằm trong tay “cô bảo mẫu” này, một mặt các em có cơ hội tiếp xúc với nguồn thông tin phong phú nhưng mặt khác lại làm tăng nhiều nguy cơ như nghiện game, nghiện MXH, bị virus xâm nhập vào điện thoại dẫn đến mất thông tin cá nhân và ảnh hướng tới sức khỏe. Ông Ysreal C.Diloy, chuyên gia từ tổ chức Stairway Foudation, người đã thực hiện thành công cuộc vận động chính sách đưa chương trình giảng dạy về “An toàn mạng” vào trong các trường học ở Philippines cho biết: “Thậm chí, trẻ có nguy cơ tiếp cận phải những trang web “đen” hoặc web có thông tin sai lệch, tác động tiêu cực đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Nguy hại hơn khi vào những trang web không rõ nguồn gốc, trẻ có nguy cơ bị xâm hại, buôn bán, bắt cóc hoặc bị bắt nạt trên mạng” .
Trên thực tế, không một phụ huynh nào có thể đảm bảo mình quản lý được tất cả các nội dung con mình xem trên mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng chưa chắc đã có kiến thức và định hướng để có thể bảo vệ các con được an toàn trên môi trường mạng. Chuyên gia về IT An toàn mạng Ngô Việt Khôi chia sẻ: Hiện nay, kỹ năng bảo vệ bản thân trên môi trường mạng của một số phụ huynh còn hạn chế. Ngoài ra, những thiếu hụt về mặt quy định quản lý cũng là một trong những nguyên do khiến người lớn tuổi hiện nay chưa được chuẩn bị tốt về kỹ năng đảm bảo an toàn trên mạng.
Để trẻ em trở thành “công dân số” thông minh
Nhiều phụ huynh sau khi con cái mình bị nghiện game, nghiện MXH rồi mới “ngã ngửa” ra vì nguyên nhân chính là do sự thiếu quan tâm đúng mực của họ dành cho con, vô hình chung làm cho trẻ nghĩ rằng việc dành thời gian cho internet mới là tốt và quan trọng hơn. Vì thế, cần dành thời gian để trao đổi với con, hướng dẫn con sử dụng các công nghệ để tham gia môi trường mạng một cách an toàn.
Bên cạnh đó, với hơn 1/3 dân số Việt Nam sử dụng MXH như ngày nay, phụ huynh cũng cần lưu ý khi nguy cơ trẻ bị xâm hại từ những hình ảnh người thân phát tán. Vì thế, để hạn chế rủi ro trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2017/NĐ-CP, quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trên môi trường mạng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội.
Trước những nguy hại của “heroin số” đối với trẻ, Giám đốc MSD Nguyễn Phương Linh cho rằng toàn xã hội cần nâng cao nhận thức những rủi ro của môi trường mạng và có trách nhiệm hỗ trơ các em trở thành những “công dân số” thông minh. Đặc biệt, để các em không bị lệ thuộc vào “bảo mẫu” công nghệ một phần lớn phụ thuộc vào sự quản lý, giáo dục của phụ huynh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần