Dệt may khó bứt phá vì quy hoạch lỗi thời

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Quy hoạch ngành dệt may hiện đã lỗi thời và không được ai đả động đến. Hiệp hội kiến nghị rất nhiều tới Bộ Công Thương và Chính phủ trong thời gian qua", đó là “lời kêu cứu” của Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang sáng 2/5.

Sáng 2/5, phiên hiến kế về DN và CPTPP với chủ đề “Chủ động và khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá” đã diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. 
 Toàn cảnh phiên hiến kế về DN và CPTPP sáng 2/5
Ngành hàng dệt may có vai trò quan trọng khi có hẳn 1 chương riêng trong CPTPP. Phát biểu trong phiên hiến kế, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang khẳng định, CPTPP là xương sống của ngành dệt may Việt Nam nhưng xương sống không lôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho rằng vai trò của Bộ Công Thương, Bộ TN&MT là rất quan trọng vì nếu không thống nhất, cán cân trong quy hoạch ngành là hiệp định sẽ không mang lại lợi ích. Bởi, những nước thành viên như Singapore, Malaysia không phải những nước dệt may. Các giải pháp của Chính phủ, định hướng chiến lược trong tầm nhìn nói chung và dệt may da giày nói riêng phải đáp ứng yêu cầu nước, điện, lao động... Vai trò của Chính phủ phải hoạch định, không để các địa phương tự cho các nhà đầu tư vào mở.
Ông Giang dẫn chứng, một số địa phương "dị ứng" với các ngành dệt may, đặc biệt hóa nhuộm. Các địa phương đang có cái nhìn không được cởi mở, cho rằng dệt may là ô nhiễm. Kiểm soát nó phải đưa ra các giải pháp quy hoạch, nền tảng cho sự phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra 3 kiến nghị. Thứ nhất, xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035 - 2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Thứ hai, Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may da giày. Thứ ba, cần sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý nhưng khi triển khai hiệp định các cơ quan quản lý, địa phương cần thực sự thấm nhuần để ngành phát triển bền vững.
"Nếu chỉ nói đến lợi ích, không nói đến tồn tại và đưa ra giải pháp thì ngành không có điều kiện bứt phá" - ông Giang khẳng định.
Phản hồi vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, CPTPP đưa ra quy tắc xuất xứ chặt nhưng về lâu dài lại gia tăng giá trị nội địa cho hàng xuất khẩu.
"Trong thời gian dài chúng ta phải đi nhập khẩu sợi, vải. Ngành dệt may xuất khẩu nhiều nhưng chưa đủ lớn đầu tư vào dệt, cần vài trăm triệu USD. Nếu đầu tư như thế mà không có đầu ra, không bán được vải thì sẽ phá sản. Đây là khó khăn lớn. Chúng ta cần thị trường lớn để các nhà đầu tư nhìn ra tiềm năng. Cần có mối liên hệ với những người mua hàng ở nước ngoài để họ chỉ định mua hàng của chúng ta" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho hay, thị trường lớn sắp tới của ngành là Liên minh châu Âu. Nếu có được hiệp định từ Liên minh châu Âu, không cần Nhà nước khuyến khích, ngành dệt may vẫn sẽ nhận được những sự đầu tư lớn.