Khi đăng ký hộ tịch được giảm nhiều thủ tục hành chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để kịp thời triển khai Luật Hộ tịch đã được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch, bảo đảm thuận lợi cho người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch.

Theo đó, quy định cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch ở cả hai cấp xã và huyện, bảo đảm thuận lợi cho người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch.

Nghị định đã cắt giảm mạnh các giấy tờ phải nộp khi đăng ký hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp. Ngay cả khi thủ tục hành chính quy định giấy tờ phải nộp là bản sao có chứng thực, nhưng nếu người dân chỉ nộp bản chụp giấy tờ (không có chứng thực) thì Nghị định quy định cũng được chấp nhận, nhưng cần có bản chính để đối chiếu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong giai đoạn chuyển tiếp, khi đăng ký hộ tịch, người dân vẫn cần nộp, xuất trình một số giấy tờ cần thiết để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú cũng như chứng minh về yêu cầu đăng ký hộ tịch. Khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sự vận hành thống nhất, người dân chỉ cần xuất trình duy nhất một loại giấy tờ (có Số định danh cá nhân) khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính nói chung, đăng ký hộ tịch nói riêng mà không cần phải nộp giấy tờ để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú.

Nghị định quy định cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để giải quyết các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho người dân. Cụ thể, không quy định phỏng vấn đối với trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Ủy ban Nhân dân cấp huyện. Đây là bước cải cách mạnh mẽ, hướng tới bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong việc thực hiện kết hôn - một trong những quyền nhân thân quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình.

Để bảo đảm lợi ích của người dân, tránh gây phiền hà, tốn kém, Nghị định quy định thống nhất một thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo đó, Ủy ban Nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp loại giấy này cho cá nhân có yêu cầu, nhằm sử dụng trong nước cũng như ở nước ngoài vào mục đích kết hôn cũng như không kết hôn.

Thực hiện khoản 2, Điều 76 của Luật hộ tịch, Nghị định quy định cụ thể việc khai sinh, khai tử, kết hôn đã được đăng ký trước ngày 1/1/2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch bị mất thì được đăng ký lại; khi đăng ký lại khai sinh, kết hôn thì người yêu cầu phải còn sống... Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật hộ tịch.