Khi hè phố trở thành... xưởng sản xuất!

Trần Đình Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hè phố vốn chỉ dành cho người đi bộ nhưng hiện nay nhiều nơi đang bị chiếm dụng làm chỗ kinh doanh buôn bán, thậm chí còn thành… xưởng sản xuất, điển hình như phố Cát Linh (phường Cát Linh, quận Đống Đa).

 
Không biết từ bao giờ, phố Cát Linh đã hình thành nghề làm kim khí nên suốt chiều dài con phố này, hàng loạt hộ sản xuất, kinh doanh đồ sắt, từ đầu giờ sáng đến cuối giờ chiều luôn rền vang tiếng búa, tiếng máy cắt. Vì vậy, dẫu không thuộc diện “phố hàng” của Hà Nội nhưng nghề làm đồ sắt ở đây còn hơn nhiều lần phố cổ Hàng Sắt ở quận Hoàn Kiếm. 
Nếu các hộ làm đồ sắt ở phố Cát Linh chỉ sản xuất trong nhà hoặc công xưởng sẽ không có gì đáng nói. Nhưng do đất chật người đông, nhiều hộ đã biến vỉa hè thành… công xưởng, vô tư bày biện vật tư thiết bị, máy móc ra để sản xuất. Vỉa hè phố Cát Linh vốn đã hẹp, chỉ cần đặt một chiếc xe máy nằm ngang đã chắn hết lối đi. Nhưng tại đây, ngoài xe máy, vỉa hè còn phải “gánh” thêm la liệt sắt thép, máy móc phục vụ nghề làm sắt, khiến người đi bộ chỉ còn cách đi dưới lòng đường.

Việc lấn chiếm vỉa hè ở phố Cát Linh còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn bởi hoạt động của những máy cưa, máy hàn, vụn sắt… có thể gây nguy hiểm cho người qua lại. Ngoài lấn chiếm vỉa hè, việc tồn tại hàng chục xưởng sản xuất sắt thép trong khu phố còn làm không gian chung bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, mùi khét của sắt thép phát ra trong quá trình cưa, nung và nguy cơ cháy nổ luôn rình rập bởi lửa hàn…

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở phố Cát Linh đã diễn ra từ lâu, dù ngành chức năng vẫn thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhưng sự việc vẫn tái diễn. Chỉ cần vắng lực lượng chức năng, máy móc, vật tư sắt thép lại được những hộ vô ý thức bày la liệt ra hè phố, chắn hết lối người đi bộ. Để đảm bảo đường thông, hè thoáng, mỹ quan đô thị, giảm thiểu ô nhiễm, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, thiết nghĩ chính quyền phường Cát Linh và quận Đống Đa cần có biện pháp kiên quyết với các hộ cố tình lấn chiếm, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.