Khi nào có vaccine phòng Covid-19 của Nga "made-in-Vietnam"?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam dự kiến bắt đầu đóng ống vaccine phòng Covid-19 Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng vào tháng 7/2021.

Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 24/6 theo hình thức trực tuyến, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về kế hoạch gia công đóng ống vaccine Covid-19 của Nga tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. 
Cụ thể, bà Lê Thị Hằng khẳng định, ngay từ khi dịch bệnh mới xuất hiện, Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động và nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận đàm phán trao đổi và vận động chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các nhãn sản xuất và nhóm cung ứng trên thế giới để có thể mua, nhập và tiếp nhận viện trợ vaccine phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã trao đổi với công ty JSC Generium của Nga, hãng sản xuất của vaccine Sputnik V để có vaccine sớm nhất phục vụ nhu cầu tiêm chủng cho Nhân dân. 
Dẫn thông tin từ Bộ Y tế, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết, thời gian vừa qua, công ty Vabiotech đã đàm phán và sẽ sớm ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine phòng Covid-19 Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng, dự kiến bắt đầu vào tháng 7/2021, tiến tới sẽ chuyển giao công nghệ vaccine với quy mô khoảng 100 triệu liều/năm.
Trong một diễn biến liên quan, phóng viên đã đặt câu hỏi về kế hoạch tiếp nhận vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam, trong bối cảnh Hoa Kỳ mới đây công bố kế hoạch 16 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho châu Á và 14 triệu liều cho các nước trong khu vực có nhu cầu, và Việt Nam có tên trong cả hai danh sách.

Trả lời về vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang trao đổi tích cực với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ cũng như cơ chế COVAX. Cho đến nay, Việt Nam cũng đã tiếp nhận khoảng 2,6 triệu liều qua cơ chế COVAX.

"Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay, Việt Nam hoan nghênh và mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế,nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ,  tài chính y tế đặc biệt là vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để cùng đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này,  sớm trở lại bình thường", bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần