Khi người người làm môi giới bất động sản

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông thường, hễ khi nào thị trường bất động sản nóng lên là khi đó nghề môi giới lại trở thành hot.

Thế nhưng, khi mà nhà nhà, người người cùng tham gia làm môi giới, bất chấp quy định của pháp luật nhằm kiếm lời một cách nhanh nhất đã khiến cho thị trường bất động sản lên cơn sốt ảo ở nhiều địa phương, gây bất ổn xã hội lại là điều không thể xem nhẹ.
  Khách hàng tham khảo thông tin một dự án bất động sản ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Khoảng hơn một tháng qua, không ít chính quyền ở nhiều địa phương trên cả nước như Quảng Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… đã phải ra công văn hỏa tốc nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo trên địa bàn, trong đó có nguyên nhân của sự “bành trướng”, nhiễu loạn hoạt động môi giới trên địa bàn. Đáng nói, vì lợi nhuận, nhiều môi giới không từ một thủ đoạn nào.
Thậm chí, họ còn dùng công nghệ để làm giả công văn, quy hoạch… nhằm đẩy giá đất trong khu vực lên cao, đồng thời lôi kéo các nhà đầu tư cá nhân vốn có nhiều tiền nhàn rỗi xuống tiền để kiếm lời. Không nói đâu xa, ngay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cách đây chừng hơn một tháng cũng đã xảy ra chuyện “tày trời”, gây xôn xao dư luận, khi được cho là các “cò đất” đã tạo ra một văn giả danh Tập đoàn Vingroup xin đầu tư xây dựng khu đô thị sân golf trên địa bản huyện Quốc Oai, Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó, đại diện Tập đoàn Vingroup đã lên tiếng phủ nhận không hề phát hành văn bản nói trên.

Việc những nhà môi giới không chuyên, thậm chí ngay cả người bán nước chè đầu ngõ cũng tham gia vào thị trường bất động sản (BĐS) không phải chuyện lạ. Tuy nhiên, khi mà cả những nhân viên kinh doanh đa cấp, ngân hàng hoặc bảo hiểm cùng ùn ùn chuyển tay ngang sang làm môi giới BĐS lại là chuyện khác.
Theo các chuyên gia, những người môi giới BĐS không chuyên nghiệp, vấn đề đạo đức nghề nghiệp luôn được đặt sau lợi nhuận. Vì thế, họ sẵn sàng dùng các chiêu trò, ví như tung tin đồn thổi, tự mua đi bán lại BĐS với nhau, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch, gây nhiễu loạn thông tin, nhằm đẩy giá BĐS lên cao để lợi dụng trục lợi. Điều này gây nguy hiểm cho xã hội, cho sự phát triển kinh tế cần phải chấn chỉnh, ngăn chặn.

Đáng buồn là những cơ sở pháp lý để xử lý hành vi vi phạm nói trên đều khá đầy đủ nhưng tới nay vẫn bị chính quyền địa phương bỏ ngỏ. Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định, từ 16/2/2016 nhân viên môi giới BĐS phải dự thi sát hạch, có chứng chỉ mới được phép hành nghề. Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở… cũng đã nêu rõ, các hành vi như kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không chính xác hồ sơ, thông tin về BĐS mà mình môi giới… chế tài xử phạt từ 10 - 50 triệu đồng.
Thế nhưng thực tế, có bao nhiêu người hoạt động nghề môi giới BĐS đúng luật? Đã có cơ quan nào, chính quyền địa phương nào đứng ra rà soát, kiểm tra, giám sát và xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động môi giới BĐS hiện nay hay chưa?

Thiết nghĩ, chừng nào hoạt động môi giới không chuyên nghiệp vẫn tung hoành, nhiễu loạn thị trường BĐS; nhà nhà, người người đi làm môi giới thì chừng đó, vẫn chưa thể có sự phát triển minh bạch, bền vững.