Khi nước thải lên bàn ngoại giao

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ xả 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển đã gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế, đe dọa ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: Reuters
Đây là một diễn biến đáng chú ý sau hơn 7 năm thảo luận về cách thức xử lý lượng nước từng được bơm vào các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại để làm mát các thanh nhiên liệu sau thảm họa năm 2011. Phía Nhật Bản khẳng định số nước thải này không gây lo ngại về an toàn cho con người hoặc môi trường vì đã qua các khâu xử lý. Quyết định này được Cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA) cũng ủng hộ nhưng lại vấp phải sự phản đối từ phía Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hãng Kyodo ngày 15/4 đưa tin, Trung Quốc còn đề nghị Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso “thử uống” nước nhiễm xạ đã qua xử lý tại nhà máy hạt nhân Fukushima, sau khi Nhật quyết định xả nước này ra biển, đồng thời cho rằng việc Nhật phớt lờ môi trường sinh thái là “hoàn toàn không thể biện minh”.

Còn về phía Hàn Quốc, một ngày sau khi Tokyo thông báo kế hoạch xả nước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ đạo nội các tính đến việc gửi đơn kiện Nhật Bản ra Toà án quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Trong lúc tiếp nhận thư ủy nhiệm của Đại sứ Nhật Bản mới sang, ông Moon cũng đề cập tới mối quan ngại này. Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao của phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, chính phủ nước này đang cân nhắc nhiều lựa chọn, bao gồm việc đệ đơn lên ITLOS để ngăn chặn Nhật Bản xả nước. Giới quan sát cho rằng, kế hoạch xả nước của Nhật Bản đã bồi thêm căng thẳng vốn có giữa Tokyo và Seoul, trong khi một số nhà phân tích cho rằng, chính phủ Hàn Quốc cần nhìn ra bức tranh rộng hơn. GS Lee Won-deog từ Đại học Kookmin, Hàn Quốc nhận định:“Tôi không nghĩ đây là vấn đề ngoại giao song phương giữa hai nước. Nó nên được bàn bạc như một vấn đề môi trường toàn cầu”.