Khi phi công "phớt lờ" huấn lệnh kiểm soát không lưu

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mệnh lệnh của kiểm soát viên không lưu được coi là “tối thượng” mà các phi công buộc phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn bay.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, không ít trường hợp kiểm soát không lưu ra lệnh một đằng, phi công thực hiện một nẻo.
Phi công liên tục “phớt lờ” huấn lệnh

Nhà chức trách hàng không tại Sân bay Nội Bài lại vừa phát hiện thêm một trường hợp phi công hạ cánh xuống sân bay không tuân thủ theo huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu. Người vi phạm được xác định là cơ trưởng của hãng K-Mile. Trong lúc phi công này thực hiện chuyến bay 8K524 từ Bangkok (Thái Lan) về Sân bay Nội Bài (Hà Nội), nhận được kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho tàu bay lăn theo lộ trình từ đường băng 11L/29R đến đường lăn S2 - S2A, tổ bay lại cho lăn đến đường S1. Phía Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẳng định, tại thời điểm xảy ra vụ việc, hệ thống đèn, sơn kẻ tín hiệu khu bay hoạt động tốt, có đầy đủ biển báo chỉ dẫn. 
 Đài kiểm soát không lưu Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thanh Bình
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng phi công làm trái hiệu lệnh của kiểm soát viên không. Tháng 9/2019, một trường hợp tương tự xảy ra với phi công của hãng Vietnam Airlines. Cụ thể, nam phi công N.K.T cùng tổ bay thực hiện chuyến bay VN1287 dự kiến từ Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đi Sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đã được kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh lăn theo lộ trình từ A1 đến B4 để đến điểm dừng chờ tại đường cất hạ cánh. Tuy nhiên, phi công N.K.T đã không điều khiển máy bay theo huấn lệnh của kiểm soát viên mà vào một đường lăn khác.

Đặc biệt, ngày 7/8/2014, chuyến bay HVN1203 (Vietnam Airlines) từ Hà Nội đi Cần Thơ được kiểm soát viên không lưu FIR HCM (Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh) cấp huấn lệnh cho xuống mực bay FL320 (3200 feet). Đồng thời, kiểm soát viên không lưu cũng thông báo cho phi công biết đang có máy bay ngược chiều ở mực bay FL310. Sau khi nhận lệnh, cơ trưởng máy bay HVN1203 đã không đặt đồng hồ giảm độ cao xuống mực bay được phép mà lại để chế độ giảm độ cao không xác định. Sự việc trên khiến máy bay HVN1203 giảm xuống mực bay FL300 và cắt qua đường bay của máy bay ngược chiều. Hệ quả của việc làm trên đã dẫn tới mất phân cách giữa hai tàu bay và hệ thống cảnh báo va chạm được kích hoạt. Cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay HVN1203 sau đó đã bị thu bằng lái không thời hạn.

Cảnh báo về an toàn bay

Các chuyên gia đều đánh giá, hành vi trái huấn lệnh kiểm soát viên không lưu của phi công, dù vô tình hay hữu ý đều thuộc những lỗi hết sức nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến an toàn bay. Do đó, cần phải nhìn nhận lại mức độ nghiêm trọng của hành vi này và có thể tăng nặng chế tài xử phạt để nâng cao sức răn đe. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không cho rằng, đối với vấn đề an ninh, an toàn hàng không, huấn lệnh của kiểm soát không lưu được đánh giá là “mệnh lệnh tối thượng” mà các phi công buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt. “Chỉ cần sơ suất một chút có thể dẫn đến sự cố kèm theo nhiều hậu quả khủng khiếp. Tính mạng, sức khỏe của toàn bộ phi hành đoàn cũng như hành khách sẽ bị đe dọa. Cho nên hành vi trái huấn lệnh kiểm soát không lưu rất nguy hiểm, cần phải ngăn ngừa triệt để” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi trái huấn lệnh kiểm soát không lưu của phi công có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 162/2018/NĐ-CP ngày 30/11/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. “Điều 11 của Nghị định quy định rất rõ rằng phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành huấn lệnh hoặc hướng dẫn của kiểm soát viên không lưu khi hoạt động trong sân bay” – luật sư Bùi Đình Ứng nói. Theo chuyên gia pháp lý này, cần nghiên cứu nâng cao chế tài xử phạt đối với hành vi không chấp hành huấn lệnh của kiểm soát không lưu để tăng cường tính răn đe bởi đây là hành vi đe dọa an toàn bay.

"Mỗi hành vi đe dọa an toàn bay đồng nghĩa với việc đe dọa tính mạng và tài sản của rất nhiều người. Do vậy, cần có chế tài xử phạt nặng hơn để ngăn chặn những trường hợp vi phạm sau này." - Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần