Khi sách “sống” được nhờ xã hội hóa

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội sách Mùa thu năm 2018 được tổ chức trong bối cảnh ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn. Khác với Ngày Sách Việt Nam được tổ chức dựa trên một phần nguồn kinh phí Nhà nước, Hội sách Mùa thu năm 2018 chỉ dựa vào nguồn vốn xã hội hóa do các nhà xuất bản, đơn vị phát hành đóng góp.

Người trẻ đã yêu sách
Sau 4 ngày khai mạc, dù tiết trời oi nóng, nhưng lượng độc giả đến dự Hội sách Mùa thu 2018 ở Công viên Thống Nhất không ngừng tăng. Ông Đoàn Ngọc Dậu (74 tuổi ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) tham dự Hội sách từ lúc 8 giờ sáng. Hơn hai tiếng tham quan và chọn lựa, ông Dậu mua được một số sách về lịch sử, phong thủy và từ điển tiếng Anh cho cháu trai lên lớp 7. Ghi nhận trong những ngày diễn ra sự kiện, Hội sách đón nhận sự quan tâm chủ yếu của các bạn trẻ, đặc biệt là những sinh viên mới nhập trường. Minh Hoàng – sinh viên Đại học Bách Khoa chia sẻ: “Lần đầu tiên em được tham dự Hội sách lớn như thế này. Có rất nhiều đầu sách cho độc giả lựa chọn, từ tiểu thuyết trinh thám, sách kỹ năng sống đến các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam và thế giới”. Đặc biệt, mua sách tại đây, độc giả được hưởng rất nhiều ưu đãi.
 Bạn đọc đến dự Hội sách Mùa thu 2018.  Ảnh: Lại Tấn
Năm nay, hơn 50 đơn vị xuất bản, phát hành sách tham gia sự kiện. Các gian hàng bày bán đa dạng thể loại sách như văn học, khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp, kỹ năng sống. Bốn gian hàng sách cũ thu hút đông đảo người mua. Tất cả gian hàng thực hiện nhiều chương trình giảm giá, từ 15% đến 50% và sách đồng giá 10.000 đồng, 30.000 đồng...

Hội sách kéo dài đến ngày 26/8. Các chương trình giao lưu độc giả - tác giả, giới thiệu ấn phẩm mới như: Trò chuyện khoa học 4.0, tọa đàm Để con là một em bé nhân hậu, Giải mã tiểu thuyết Dan Brown, Nuôi dạy bé song ngữ... sẽ diễn ra tại sân khấu ngoài trời, trong các ngày 25, 26/8. Ngoài ra, sự kiện còn tổ chức chuỗi hoạt động gây quỹ thiện nguyện, quyên góp sách cũ, xây dựng 1.000 tủ sách cho học sinh vùng cao Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai).

Đông chưa chắc có lãi

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo: “Trong thời gian qua, duy trì ổn định hoạt động và không ngừng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm đã thể hiện nỗ lực của các đơn vị phát hành. Đặc biệt với nguồn vốn ít ỏi, nhưng ngành xuất bản luôn đầu tư, tổ chức những hoạt động nhằm xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng”. Tham gia Hội sách Mùa thu năm 2018, bán sách là hoạt động chủ yếu của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành nhưng thực tế lợi nhuận không phải là mục tiêu hàng đầu. Trong thời gian gần đây, Công ty Azbooks có sự phát triển mạnh, đã phát hành và cung cấp đầu sách cho khắp cả nước với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Shinebooks, Tủ sách quý cô, Skybook, Vvbooks, Gubooks… phần lớn hướng đến độc giả trẻ nên công ty có cách tiếp cận theo hướng trẻ trung, năng động.

Chị Hồng Thơm – nhân viên Công ty Azbooks cho biết: Tham dự Hội sách là một trong những phương thức để sách của công ty có thể tiếp cận độc giả. Nếu xét về kinh tế, theo đại diện Công ty Azbooks, Hội sách không phải là hoạt động đem lại nhiều lợi nhuận vì khi tham gia mỗi đơn vị đều phải đóng một khoản phí nhất định. Ngoài ra công ty phải lo chi phí quảng bá, thuê người vận chuyển sách nên chỉ hy vọng doanh thu hội sách có thể bù được một phần chi phí.

Nhiều đơn vị phát hành sách đã thực hiện chính sách giảm giá từ 20% - 50% và khuyến mãi hấp dẫn. Công ty sách Nhã Nam giảm giá đồng loạt từ 30% - 50%. Đồng thời, khi mua sách, độc giả sẽ được tặng kèm một “bookmark” tự chọn. Ông Nguyễn Việt Thắng – Giám đốc quản lý Nhà sách Cá Chép Hà Nội cho biết: Với Đông A, tham gia Hội sách để tiếp cận, gần gũi hơn với độc giả, là cơ hội để quảng bá thương hiệu và cũng là một dịp để tri ân độc giả thông qua hình thức giảm giá, chiết khấu.

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: “Hội sách Mùa thu 2018 và các Hội sách khác sẽ tạo thành chuỗi hoạt động văn hóa gắn liền với sách mang tính thường kỳ, xuyên suốt, nhằm tiếp tục xây dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng và tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa người đọc với sách. Từ đó, góp phần nâng mức hưởng thụ sách bình quân/đầu người và hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần