Khi sân khấu chạm đến vấn đề bạo lực gia đình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đem chuyện đời thật lên sàn diễn, những diễn viên không chuyên trong vở kịch "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" đã làm khán giả rớt nước mắt vì thương cảm.

Họ diễn tả nội tâm thành công, đặc biệt trong những cảnh hành động đấm đá, giằng tóc, thậm chí dùng dùi cui điện.

Chuyện đời thật

"Ngoài đời, bốn diễn viên không chuyên trong vở kịch "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" đều làm công việc bán hoa quả, giúp việc nhà; lo kiếm tiền để làm trụ cột gia đình. "Một tháng tập diễn, tôi liên tiếp bị… mất diễn viên, bởi những phản ứng tiêu cực từ phía gia đình các chị. Thậm  chí, trong suốt quá trình vở kịch hình thể này được dàn dựng, 2/3 nữ diễn viên nghiệp dư vẫn bị phản ứng gay gắt từ gia đình, đặc biệt là từ chồng họ. Trước ngày công diễn, tôi luôn tính đến phương án dự trù diễn viên chuyên nghiệp thay thế, thật xúc động khi thấy họ dám chấp nhận sức ép của gia đình để bước lên sân khấu như những chứng nhân của nạn bạo hành", đạo diễn Như Lai, đạo diễn của vở kịch hình thể "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" tâm sự về những vai diễn nghiệp dư trong vở kịch.

Những cú đấm đá, túm tóc, giật tai, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" từ người chồng vũ phu trong cơn tức giận với bốn người phụ nữ tưởng như chỉ là "chuyện của mỗi nhà" nếu như Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên Đoàn kịch 3 (Nhà hát Tuổi trẻ) không đưa những nỗi đau lên sân khấu. Ban đầu, các diễn viên còn e ngại, họ chỉ biết khóc khi các chuyên gia tâm lý hỏi chuyện. Nhưng dần dần các chị đã mạnh dạn kể nội tình và đặc biệt là dám tâm sự nỗi đau khi bị chồng đánh đập, chà đạp nhân phẩm trước các khán giả yêu nghệ thuật.

Chuyển tải thành công thông điệp cuộc sống

"Tôi ơi đừng tuyệt vọng" chia ra làm hai phần. Phần 1 gồm 15 phút động tác hình thể, và phần 2 kể về ba câu chuyện bạo hành, diễn biến tâm lý của ba nhân vật phải gánh chịu sự hành hạ từ ba ông chồng: Một có chồng đam mê cờ bạc, một có chồng bạo dâm về sinh lý, một có chồng luôn trầm cảm, ghen tuông và nghi ngờ… đẩy nội dung kịch lên đến cao trào.

Dù đoạn kết còn nhiều tranh cãi, người cho là có hậu, đúng với nét đẹp nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam, sau những tệ bạc của chồng, họ vẫn chờ đợi chồng trở về; người lại cho rằng, đây là nỗi đau tinh thần không thể xóa nhòa trong ký ức nên họ phải đứng lên đấu tranh. Trong diễn xuất, đôi khi còn lúng túng, vụng về, thậm chí thiếu gắn kết giữa các nhân vật, nhưng họ chính là người trong cuộc diễn, khiến khán giả xem phải bật khóc, họ hoảng hốt và lo sợ cùng nhân vật. Quan trọng hơn, trước đây, những giọt nước mắt của các chị chỉ lặng lẽ rơi một mình trong nỗi tủi thân, cô đơn thì nay trên sân khấu, tiếng khóc đã cất lên thành lời, thảm thiết và đau đớn hơn khi có sự cộng hưởng của những tiếng khóc đến từ người cùng cảnh ngộ.

20 giờ hôm qua, lễ khai mạc Ngày hội gia đình Việt Nam năm 2012 đã diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Mở đầu lễ khai mạc bằng chương trình Liên hoan hát ru của các Câu lạc bộ Người cao tuổi Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương… Ngoài ra, chương trình còn bao gồm những màn ca múa nhạc ca ngợi vai trò của người phụ nữ trong việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc… Các hoạt động kỷ niệm Ngày hội gia đình Việt Nam sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 28/6 cùng nhiều hoạt động giao lưu, tọa đàm, gặp gỡ với các nội dung xung quanh đề án Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần