Khi tạp chí điện tử “hô biến” thành báo

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cố tình lờ đi quy định về sản xuất nội dung, làm trái với tôn chỉ mục đích, lách luật để "báo hóa" là những hiện tượng thường thấy của không ít tạp chí điện tử.

Đối với cơ quan quản lý nói chung và ngành báo nói riêng, đây hiện là "căn bệnh" trầm kha cần chặn đứng bởi vô số những hệ lụy mà tình trạng này đã và sẽ mang lại.
Tràn lan "báo hóa" tạp chí
Trung tuần tháng 10/2019 vừa qua, Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đã ra quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng và đình bản trong thời gian 2 tháng với Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam do đăng tải thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Trước đó, vào tháng 11/2017, tạp chí này đã bị xử phạt 30 triệu đồng vì thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.
Những trường hợp như trên không phải là hiếm, theo số liệu từ Bộ TT&TT, trong giai đoạn từ tháng 6/2017 - 10/2019, đã có 15 tạp chí điện tử bị xử phạt với số tiền lên tới gần 500 triệu đồng. Các vi phạm phổ biến là đăng tải thông tin sai sự thật và thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động.
 Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, không ít tạp chí vừa bị phạt xong nhưng chỉ một thời gian sau lại tái phạm, có thể kể đến như Tạp chí điện tử Sở hữu và Sáng tạo (bị phạt vào tháng 9/2018 và 9/2019) hay Tạp chí điện tử TTV (bị phạt vào tháng 10/2017 và 9/2018).
Trên thực tế, với 74 tạp chí điện tử đang hoạt động, số lượng bị xử phạt cùng số tiền vi phạm chỉ phản ánh một phần nhỏ tình trạng "báo hóa" đang diễn ra rất tràn lan của những ấn phẩm dạng này.
Mặc dù Luật Báo chí đã quy định rất rõ ràng “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng” nhưng không ít tạp chí vì mục tiêu kinh tế đã mặc sức "xé rào" các quy định, xa rời tôn chỉ mục đích từ đó dẫn tới những hậu quả đáng tiếc cho người dân, DN cũng như gây bức xúc trong cộng đồng báo chí nói chung.
Những biểu hiện "báo hóa" rất dễ nhận ra khi những tạp chí điện tử dạng này thay vì phục vụ cho một nhóm độc giả nhất định với các thông tin chuyên ngành lại có nội dung hướng tới đa dạng người đọc với nội dung dàn trải trên nhiều lĩnh vực.
Về tin bài cũng rất đa dạng, từ tin thông tấn, tin nóng cho đến tin văn hóa, công nghệ hay thậm chí là cả tin pháp luật, phóng sự, điều tra tương tự như một tờ báo điện tử. Bên cạnh một lượng lớn tin bài là cóp nhặt từ các trang báo chính thống, cũng có không ít tạp chí điện tử đăng tải nhiều sản phẩm do chính đội ngũ của mình tự sản xuất.
Đáng lưu ý, nhiều tạp chí điện tử thường ưu tiên tập trung nhân lực vào những chuyên mục mang tính chất nhạy cảm như "Pháp luật", "Bạn đọc" ... với số lượng tin bài mới xuất hiện có tần suất cao theo ngày cũng như được đặt ở vị trí dễ thấy nhất trên trang chủ nhằm thu hút người đọc. Trong đó hầu hết là các bài viết phản ánh mặt tối của xã hội, sai phạm của DN - tổ chức, thậm chí là những lỗi nhỏ nhặt nhất cũng bị đăng tải. Đặc biệt những tin bài dạng này thường được đặng dưới bút danh PV (phóng viên - tạp chí tự sản xuất) hoặc lách luật bằng cách mượn tên của một báo điện tử khác để đăng tải nội dung do mình tự thực hiện.
Cũng chính nhờ việc dễ dàng "báo hóa" như trên nên trong những năm gần đây, nhiều tạp chí đã gia tăng một cách chóng mặt về số lượng phóng viên, cộng tác viên, mặc dù hầu hết những nhân sự này đều không có lương hoặc nếu có cũng chỉ mang tính chất tượng trưng nhưng nhờ các khoản "lậu" rất hấp dẫn nên vẫn thu hút được nhiều sự gia nhập.
Hiện nay không thiếu trường hợp phóng viên, cộng tác viên của các tờ tạp chí đã từng là xe ôm, không nghề nghiệp ổn định thậm chí là hoạt động trong những ngành nghề không hề có kiến thức căn bản về báo chí.
Với sự hỗn tạp trong nhân sự, người làm báo tại nhiều tờ tạp chí đã lợi dụng danh nghĩa nhà báo nhằm thực hiện những hành vi trục lợi như mồi chài quảng cáo, ký hợp đồng truyền thông, sự kiện... nếu tổ chức hay DN không tham gia sẽ đăng bài phản ánh tiêu cực. Từ đó những "mặt tối" cũng được bộc lộ như "mặc cả giá" trước khi lên tin bài, “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” hay thậm chí là tổ chức "đánh hội đồng" DN...
Đây vốn là vấn nạn từ nhiều năm của làng báo và sự góp mặt của những tạp chí điện tử đã "báo hóa" càng làm vấn đề nhức nhối, nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người làm báo chân chính.
Hệ quả tiêu cực của tình trạng "báo hóa" tạp chí có thể thấy rõ theo một thống kê mới đây của Cục Báo chí. Cụ thể, tính từ đầu năm 2019 đến nay, Cục này đã nhận được hơn 500 phản ánh, khiếu nại của người dân, tổ chức, DN về lĩnh vực báo chí và 1/2 trong số này có liên quan tới các tạp chí điện tử. Đáng chú ý, con số này liên tục tăng mạnh theo từng năm trở lại đây.
“Nóng” tại nghị trường Quốc hội
Cần khẳng định tình trạng "báo hóa" tạp chí phải được ngăn chặn khẩn cấp bởi vô số hệ lụy tiêu cực mà nó mang phải. Đây cũng là vấn đề làm "nóng" nghị trường khi được đại biểu Quốc hội mang ra chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại kỳ họp Quốc hội mới đây. Theo đó, thực trạng "báo hóa" tạp chí được cho rằng đã làm gia tăng hiện tượng gây sách nhiễu đối với các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương, cùng nhiều biểu hiện tiêu cực khác.
Nói về "vấn nạn" này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây là hoạt động sai Luật Báo chí. Theo người đứng đầu ngành TT&TT, hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình. Luật quy định, tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Tuy nhiên, vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những điều này.
Nhiều tạp chí cũng thực hiện những tin bài điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về hoạt động. Bộ TT&TT đã nhìn thấy vấn đề và gần đây đã có một buổi họp của Ban Tuyên giáo T.Ư, lãnh đạo Chính phủ, Hội Nhà báo để bàn câu chuyện trên và thống nhất đưa ra hướng giải quyết triệt để.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đầu tiên là về mặt quy định pháp luật, chúng ta phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hai là quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại bao gồm việc cấp lại giấy phép, trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích thì phải làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.
Cũng tại phiên chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý Bộ TT&TT cần quản lý chặt chẽ hoạt động của các tạp chí điện tử đúng quy định của pháp luật, phân định rõ tính chất chuyên ngành, định kỳ của tạp chí, không để xảy ra việc “báo hóa" tạp chí. Bên cạnh đó là rà soát, chấn chỉnh hoạt động liên kết giữa cơ quan báo chí, sớm tổng kết để quy định cụ thể hướng dẫn về liên kết, xã hội hóa các chương trình trên phương tiện báo chí trong năm 2020.
Ngoài ra, Bộ cũng cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của Tổng Biên tập trong việc quản lý phóng viên và nội dung thông tin, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của báo chí, nhất là bảo đảm tính chính xác của thông tin; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đạo đức người làm báo.
“Bộ TT&TT cần xử lý nghiêm các phóng viên có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; thiết lập và triển khai đường dây nóng phản ánh thông tin về báo chí; chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận; có giải pháp để hỗ trợ hình thành nền tảng truyền thông xã hội trong nước, phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền” - Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Trên thực tế, với 74 tạp chí điện tử đang hoạt động, số lượng bị xử phạt cùng số tiền vi phạm chỉ phản ánh một phần nhỏ tình trạng "báo hóa" đang diễn ra rất tràn lan của những ấn phẩm dạng này.

Mặc dù Luật Báo chí đã quy định rất rõ ràng “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng” nhưng không ít tạp chí vì mục tiêu kinh tế đã mặc sức "xé rào" các quy định, xa rời tôn chỉ mục đích từ đó dẫn tới những hậu quả đáng tiếc cho người dân, DN cũng như gây bức xúc trong cộng đồng báo chí nói chung.


Hệ quả tiêu cực của tình trạng "báo hóa" tạp chí có thể thấy rõ theo một thống kê mới đây của Cục Báo chí. Cụ thể, tính từ đầu năm 2019 đến nay, Cục này đã nhận được hơn 500 phản ánh, khiếu nại của người dân, tổ chức, DN về lĩnh vực báo chí và 1/2 trong số này có liên quan tới các tạp chí điện tử. Đáng chú ý, con số này liên tục tăng mạnh theo từng năm trở lại đây.


Cần nâng cao chất lượng nội dung

"Cơ quan chủ quản của các tạp chí điện tử cần nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cơ quan báo chí dưới quyền bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ để triển khai các hoạt động nghiệp vụ phù hợp, đúng luật định.

Thay vì lách luật, “báo hóa”, các tạp chí điện tử cần tập trung nâng cao chất lượng nội dung, bám sát nhu cầu của độc giả riêng của mình, tận dụng ưu thế mạnh internet và các ứng dụng đa phương tiện để tạo sự liên kết nội dung thông tin chuyên biệt..." - Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng


Xử lý nghiêm hành vi vi phạm về tôn chỉ mục đích

"Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp để chấm dứt tình trạng "báo hóa" tạp chí.

Trước hết là rà soát, cấp lại giấy phép của các cơ quan báo chí, đặc biệt là tạp chí để thực hiện theo đúng quy hoạch báo chí.

Tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm về tôn chỉ mục đích, "báo hóa" tạp chí. Trình Chính phủ dự thảo Nghị định về tăng chế tài xử phạt đối với hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, bên cạnh xử phạt hành chính sẽ có phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động." - Phó Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Văn Hiếu


Hiện tượng gây bức xúc

"Tình trạng "báo hóa" tạp chí không phải là việc mới mà đã xảy ra từ vài năm trở lại đây. Hiện tượng này không chỉ gây bức xúc với các cơ quan báo chí chính thống, cơ quan quản lý mà cũng tạo dư luận không tốt của xã hội.

Việc tạp chí thực hiện những bài viết "đánh đấm", đơn thư bạn đọc, điều tra cho đến lợi dụng danh nghĩa báo chí để dọa dẫm, tống tiền DN vừa là vi phạm pháp luật vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp cùng Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT đưa ra những giải pháp để sớm chấm dứt tình trạng này." - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Trần Bá Dung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần