Khó chấp nhận việc cấm xe máy

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về việc có nên cấm xe máy tại một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay không.

Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cấm xe máy chỉ là một giải pháp bất đắc dĩ và mang tính cưỡng ép đối với đại bộ phận cư dân đô thị.

Phải nhìn từ nhiều phía

Khi nhìn vào tình trạng quá tải hạ tầng giao thông, ý thức kém của không ít người sử dụng xe máy, và cả mức độ ô nhiễm môi trường do khói xe máy gây ra, rất nhiều người cho rằng nên cấm xe máy tại các đô thị lớn. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng lý giải: “Đây là tâm lý bình thường, không có gì đáng để gọi là “ngược đời” hay “tối kiến”. Thực tế, đại đa số cư dân đô thị đều có và sử dụng xe máy; nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người không có nhu cầu sử dụng xe máy. Với người cần thì nó quan trọng và ngược lại, vậy thôi”. Ông Thắng cũng cho rằng, hiện một số đô thị lớn có quá nhiều xe máy, như Hà Nội có tới hơn 5,5 triệu chiếc hoạt động thường xuyên hàng ngày. “Theo tôi, lý do lớn nhất dẫn đến ý kiến nên cấm xe máy là do người điều khiển. Chiếc xe không tự nó lưu thông, chính người điều khiển, khi không tuân thủ luật giao thông, lấn làn, vượt ẩu, leo vỉa hè gây lộn xộn, UTGT trên đường phố khiến chúng trở nên phản cảm” - ông Thắng nhìn nhận.

Dòng xe máy lưu thông gây ùn tắc trong giờ cao điểm trên phố Trần Duy Hưng.  Ảnh:  Phạm Hùng

Nhiều chuyên gia cho rằng, nên nhìn sự việc từ nhiều phía, có thể quá nhiều xe máy sẽ gây khó khăn cho trật tự, ATGT, gây ô nhiễm môi trường nhưng thực tế nó là phương tiện di chuyển chủ yếu, thậm chí là công cụ kiếm sống của đại bộ phận người dân. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga chia sẻ: “Hiện mạng lưới vận tải công cộng (VTCC) còn yếu và thiếu, giá cước xe taxi còn cao; trong hoàn cảnh không đủ điều kiện để sở hữu ô tô riêng thì chiếc xe máy là phương tiện không thể thiếu của đại bộ phận dân cư. Cấm xe máy, họ sẽ đi bằng gì, kiếm sống bằng gì?”. Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho rằng: “Cấm hẳn xe máy sẽ gây xáo trộn lớn, thậm chí là những hệ lụy khủng khiếp với nền kinh tế, xã hội và an ninh, trật tự. Nói ví von thì đường sá là mạch, xe cộ là máu vận chuyển sự sống và phát triển cho cả cơ thể lớn là các đô thị. Cấm xe máy cũng như cấm các hồng cầu lưu thông, đe dọa sự sống của cả cộng đồng”.

Hạn chế dần bằng cách khuyến khích

Giảng viên khoa Kinh tế vận tải, Đại học GTVT, TS Thạch Minh Quân khẳng định, không nên cấm xe máy hay các loại phương tiện cá nhân khác, mà chỉ nên hạn chế bằng cách khuyến khích người dân tự từ bỏ chúng. Bên cạnh đó, cần xử phạt nghiêm để người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ. Muốn người dân tự chuyển sang dùng phương tiện VTCC thì trước hết phải có một mạng lưới VTCC đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của họ; đáp ứng cả về thời gian, quãng đường di chuyển, đảm bảo đưa họ đến đúng điểm cần đến. “Tổ chức trông giữ phương tiện cá nhân với giá ưu đãi hoặc miễn phí ở các nhà ga tàu điện, điểm dừng, nhà chờ xe buýt cũng là một biện pháp thu hút người dân đến với VTCC” - TS Thạch Minh Quân nhận định.

Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, nói tắc đường do xe máy là chưa chính xác. Một bộ phận người điều khiển xe máy cộng với một bộ phận không nhỏ người điều khiển ô tô thiếu ý thức là một trong những nguyên nhân gây tắc đường. Ông Đặng Chí Nga nhìn nhận: “Chúng ta không nên nói đến chuyện cấm, như thế là cưỡng ép đại bộ phận người dân phải làm điều họ khó lòng chấp nhận được. Thay vì cấm, hãy tiến hành những biện pháp cả cứng và mềm để khuyến khích họ từ bỏ xe máy cũng như tất cả các loại phương tiện cơ giới cá nhân khác”. Theo ông Nga, thu phí lưu thông tại một số tuyến đường nhất định, nâng giá trông giữ xe; tăng độ khó quy trình sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng thật cao mức phạt đối với vi phạm giao thông... sẽ là những biện pháp hữu hiệu. “Một mặt sẽ hạn chế được xe cá nhân lưu thông, một mặt sẽ góp phần nâng cao ý thức của người điều khiển xe máy” - ông Nga cho hay.
Theo số liệu của Công an TP, Hà Nội hiện có khoảng 5,5 triệu xe máy và 550.000 ô tô, trong đó gần 370.000 ô tô con. Số phương tiện này hàng ngày chiếm dụng tới 85,8% mặt đường lưu thông toàn TP. Đặc biệt, ô tô dù chỉ chiếm 14,38% lượng phương tiện nhưng chiếm tới 42,18% mặt đường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần