Khó cũng phải quyết tâm làm

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cộng đồng DN đã rất vui mừng khi ngay tại hội nghị đối thoại với Thủ tướng tổ chức trong tháng 5 vừa qua, người đứng đầu Chính phủ đã công bố Chỉ thị 20/CT-TTg 2017 chấn chỉnh thanh tra, kiểm tra DN.

Thực tế này đã tồn tại nhiều năm không chỉ làm khó, tăng chi phí của DN khi mỗi năm phải tiếp không ít đoàn thanh, kiểm tra mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường kinh doanh, nên việc rút chỉ còn 1 lần/năm góp phần không nhỏ giảm gánh nặng cho DN.
Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai, mong muốn đó của DN vẫn chưa thành hiện thực. Đó là chưa kể các cơ quan như y tế, công thương, lao động, môi trường, công an, hải quan… cũng đưa ra một loạt các lý do mang tính chuyên ngành, có đặc thù riêng nên không thể kết hợp cùng vào một đoàn thanh, kiểm tra. 
Chính vì thế mặc dù Chỉ thị đã được công bố nhưng thực tế cộng đồng DN vẫn chưa được hưởng lợi từ quyết định này. Thực tế này cho thấy khung pháp lý hiện hành vẫn còn quy định nhiều đầu mối có thẩm quyền thanh tra, đánh giá DN dẫn đến chồng chéo, trùng lắp. Chỉ thị đã có nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên các ngành vẫn vin vào đó để dành thuận lợi về cho mình và vẫn đẩy cái khó cho DN. DN thời gian qua đã gặp không ít khó khăn để cạnh tranh trên thương trường song vẫn đang tiếp tục phải mang nỗi lo thanh, kiểm tra. Việc thanh, kiểm tra là cần thiết để đảm bảo công tác quản lý tốt hơn, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh song khi nó bị biến tướng, bị lợi dụng thì hậu quả gây ra lại rất lớn. Không chỉ là gánh nặng với mỗi DN mà quyết tâm  tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ –CP và cam kết đồng hành hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ – CP sẽ gặp không ít thách thức.
Chính vì thế, mặc dù rất nhiều cơ quan quản lý kêu khó, biện đủ lý do để trì hoãn song khó mấy cũng phải làm. Làm vì cộng đồng DN, vì nền kinh tế không thể chấp nhận bị những thủ tục hành chính rườm rà kéo lùi. Đã có không ít ý kiến cho rằng, mục đích lớn nhất của thanh tra, đánh giá là để DN chỉnh đốn, sửa sang, chỉ khi DN cố tình vi phạm mới phải xử phạt thì không có lý do gì để nhiều cơ quan chức năng trì hoãn. Cùng với việc cần sớm ban hành những quy định hướng dẫn cụ thể trong việc thanh, kiểm tra DN thì điều quan trọng hơn cả là cần sớm thay đổi tư duy từ quản lý DN sang đồng hành cùng DN, coi DN là đối tượng phục vụ. Với tư duy này thì dù khó mấy khi có quyết tâm cũng có thể làm được, làm không chỉ vì DN mà vì sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.