Khó đi, cha cõng con đi...

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hình ảnh người cha cõng cô con gái với đôi chân thõng xuống vào tận phòng thi do hội đồng thi đại học Công đoàn tổ chức ngày /.7 khiến bất cứ ai chứng kiến đều xúc động. Đó là cha con em Nguyễn Phương Linh, học sinh lớp 12A4 trường THPT Trương Định, Hà Nội.

Khó đi, cha cõng con đi... - Ảnh 1
Linh trên lưng cha vào phòng thi.

 

Giữ được sự sống, mất đi đôi chân

Chị Trần Phương Thuỷ, mẹ Linh kể lại, lúc mang bầu Linh chị bị cảm có uống thuốc nhưng vì khó có con nên hai vợ chồng quyết định không bỏ thai. Sinh ra Linh vẫn bình thường, đến tám tháng tuổi thì xuất hiện một cái u sau lưng. Thấy con ngày đêm quấy khóc vì đau, kiểm tra sinh thiết bác sĩ thông báo u lành nên cha mẹ quyết định mổ. Tuy nhiên, khi kết quả mổ được gửi lên bệnh viện Việt Đức thì chẩn đoán hoàn toàn khác: u ác tính, đã di căn vào đường tiêu hoá và khả năng sống của em chỉ còn một tuần!

Cha Linh, anh Nguyễn Tuấn Nghĩa giấu cả nhà cái tin trời giáng đó. Anh tự động đi chụp ảnh để lo hậu sự cho em, đến ngày thứ sáu mới thông báo cho gia đình. Rồi như một sự thần kỳ, Linh sống được cho đến tận bây giờ. Nhưng từ đó, hai chân của Linh yếu dần rồi không cử động được. Cũng do khi mổ Linh bị rạch một bên lưng nên cột sống vẹo đi. Bác sĩ yêu cầu mặc áo nhựa để định vị lưng nhưng áo nhựa cứng sát vào tay đau khiến em không lết đi lại được phải tháo ra.

Linh còn rất hay đau bụng, mỗi khi như vậy em khó kiểm soát việc vệ sinh cá nhân nên phải nghỉ học. Chưa kể, những ngày trở trời chân và lưng em thường đau buốt.

Gia tài cho con là tri thức

“Chả ai mong con mình bé mãi nhưng tôi thì có bởi như thế không phải lo con lớn thiếu tri thức, thiếu bạn bè – chị Thuỷ thổ lộ – đến tuổi đi học chúng tôi mua sách vở về thay nhau dạy cháu. Hè 2001, cháu được tám tuổi, tôi đánh liều mang sách vở của cháu cho một cô giáo tiểu học gần nhà xem. Cô động viên tôi làm hồ sơ xin cháu vào một trường gần nhà, nhưng trường bảo chưa có đặc cách cho trẻ không qua lớp 1 mà vào thẳng lớp 3. Không đầu hàng, tôi tiếp tục mang hồ sơ lên phòng giáo dục của quận. Các thầy ở đây khuyên tôi cho cháu vào lớp học tình thương. Tôi nói, các cháu ở lớp tình thương học mấy năm mới xong một lớp, trong khi cháu Linh vẫn phát triển bình thường. Khi đó phòng cử một cô giáo về trường Tân Định kiểm tra lực học của Linh. Con được 8 điểm, được vào lớp 2, vợ chồng tôi mừng hơn bao giờ hết”.

“Hoàn cảnh con mình như thế, mình chỉ biết cố gắng cho con kiến thức. Được đi học có bạn bè cháu sẽ không bị tự kỷ, nhìn cuộc đời, số phận mình dễ dàng hơn. Thêm nữa, chúng tôi không thể ở bên cháu mãi được, cháu cần có tri thức để tự nuôi sống bản thân. Các bạn đi học thêm ở xa, Linh không đi được thì có gia sư dạy tại nhà. Riêng môn văn khó học gia sư thì cha mẹ thay nhau đưa đón hàng tuần. Do đặc thù công việc nhân viên ngành xe buýt, tôi xin chuyển hẳn sang làm ca sáng, đi từ 3 giờ đêm để đến trưa có mặt ở nhà, dành buổi chiều và tối đưa đón con đi học gần chục năm nay”, anh Nghĩa tiếp lời vợ.

Chọn đại học theo tiêu chuẩn... thang máy

Tôi đến nhà Linh vào buổi chiều, khi Linh đang đọc sách cùng một cô bạn. Linh giới thiệu đây là bạn Thạch Thảo – người đã ở bên cạnh và giúp em tới trường suốt những năm qua. Thạch Thảo cho biết, ở trường Linh được thầy cô và các bạn yêu quý. Nhóm em có bảy người nhưng đi đâu cũng phải có Linh. Linh chia sẻ, vào đại học thì các bạn không thể theo giúp em được nữa, nên em chọn đại học Công đoàn vì trường đó có... thang máy, tiện cho em đi học sau này. Ngoài ra trường cũng gần chỗ mẹ em bán hàng, mẹ nói ở đâu càng gần tầm tay mẹ càng tốt vì nếu có việc gì mẹ có thể chạy ra ngay với em.

Nhận tin trúng tuyển vào khoa luật đại học Công đoàn, Linh bảo em thấy mình may mắn. May mắn còn vì em đã nhận được nhiều tình yêu thương của gia đình, của bạn bè, nên phải san sẻ nó cho những người thiếu may mắn hơn.