Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Khó khăn bủa vây thị trường bất động sản thời Covid-19] Bài 2: Khủng hoảng nguồn cung

Bài, ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt dự án bị đình trệ, dừng triển khai; hoạt động của DN BĐS nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng buộc phải dừng lại, gây sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, khiến cho nhiều DN có nguy cơ phá sản, dừng hoạt động.

Sản xuất, kinh doanh đình trệ
Phó Tổng Giám đốc Công ty BĐS Thạch Bàn Lakeside Vũ Đình Chiến cho biết, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, các dự án của công ty bị chậm lại và khi lệnh giãn cách được nới lỏng, hoạt động xây dựng vẫn chưa trở lại bình thường do thiếu công nhân. Không chỉ dừng triển khai dự án, hoạt động bán hàng của đơn vị này cũng bị “đóng băng”, lao động phải nghỉ việc. Để duy trì hoạt động, Công ty buộc phải thắt chặt chi tiêu, bất khả kháng đã phải thỏa thuận với cán bộ, nhân viên còn làm việc giảm lương để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.
 Nhà ở thiếu nguồn cung, giá bán gia tăng. 
“Từ đầu năm đến nay doanh thu của chúng tôi chỉ đạt chưa đầy 20% so với cùng kỳ, hoạt động sản xuất bị đình trệ, trong khi đó vẫn phải bù lỗ cho các chi phí vận hành, tiền lãi ngân hàng, các loại thuế, phí và cũng phải chi một khoản tài chính để hỗ trợ những lao động phải nghỉ việc” – ông Vũ Đình Chiến chia sẻ.
Trong hoàn cảnh tương tự, Phó Tổng Giám đốc Videc Group Nguyễn Quốc Dũng cho biết, dịch Covid-19 đã làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, công trường dừng thi công. Hoạt động dịch vụ của công ty và các đơn vị thành viên cũng phải đóng cửa.
“Trong thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động kinh doanh trực tiếp phải dừng lại, đặc biệt là công tác hỗ trợ khách hàng hoàn tất thủ tục, giấy tờ chuyển nhượng, mua bán sản phẩm... Hiện nay, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lại tiếp tục đẩy cộng đồng DN vào giai đoạn khó khăn mới, nguồn thu bị giảm sút mạnh, trong khi đó chi phí lại gia tăng. Thời gian qua DN phải bù lỗ cho các hoạt động của mình” – ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay.
Giống nhiều DN khác, là đơn vị hoạt động với cơ cấu ngành nghề chính là xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, BĐS, xuất nhập khẩu, dịch vụ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) Nguyễn Văn Luyến cho biết, đơn vị này cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nếu như ở giai đoạn 1 của dịch bệnh, tất cả công trình của đơn vị đều phải dừng thi công theo yêu cầu của cơ quan chức năng, thì ở giai đoạn 2 mặc dù không phải dừng thi công nhưng tiến độ vẫn bị chậm, do nhà cung cấp vật tư bị ảnh hưởng và việc huy động nhân công khó khăn.
“Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các giao dịch BĐS đã bị giảm mạnh, đặc biệt trong quý I/2020. Dự báo sản lượng và doanh thu xây lắp của Tổng Công ty trong năm 2020 sẽ giảm ít nhất 20%, BĐS giảm ít nhất 30% so với kế hoạch. Ngoài ra, doanh thu về kinh doanh vật liệu xây dựng, xuất khẩu lao động và từ cho thuê diện tích thương mại dịch vụ, kho bãi cũng sẽ bị giảm trước tình hình dịch bệnh như hiện nay” – ông Nguyễn Văn Luyến cho hay.
Hệ lụy khó lường
Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, các sản phẩm nhà ở (gồm căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ) và đất nền... tiếp tục ghi nhận có sự giảm sút mạnh cả về nguồn cung mới lẫn số lượng giao dịch.
Cụ thể, tổng nguồn cung mới nhà ở từ đầu năm 2020 tới nay đạt 27.000 sản phẩm, giảm 59,2% so với năm 2019; số lượng giao dịch thành công là trên 42.700 sản phẩm (gồm cả hàng tồn kho từ năm 2019 - PV), giảm 48,4% so với năm 2019, thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Những thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh số lượng giao dịch thành công hết sức khiêm tốn, lần lượt là 2.500 và 6.700 sản phẩm.
Nguồn cung nhà ở và đất nền đủ điều kiện bán hàng, bán nhà ở hình thành trong tương lai tiếp tục giảm sút: Hà Nội có 16 dự án, giảm 21,3% so với quý I/2020; TP Hồ Chí Minh có 8 dự án, giảm 40% so với quý I và giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực BĐS cũng giảm mạnh, tổng số vốn đăng ký mới chỉ đạt trên 850 triệu USD, rơi xuống vị trí thứ 4 trong các ngành nghề thu hút vốn FDI lớn nhất.
“Số lượng DN BĐS thành lập mới giảm 11,9%, tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% cao nhất trong các ngành nghề. Riêng trong quý I/2020 có 80% sàn giao dịch BĐS đóng cửa, từ đầu quý II tới nay, 15% số sàn giao dịch còn lại vẫn chưa hoạt động trở lại” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay.
Theo Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh, thị trường BĐS đang đối diện với nhiều khó khăn do nguồn cung sản phẩm giảm sút nhưng đáng quan ngại hơn cả là sự lệch pha về cơ cấu sản phẩm ngày càng gia tăng. Cụ thể, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa từ 70 – 100 triệu mét vuông sàn nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở giá thấp (gồm nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội).
“Nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp có giá bán từ 25 triệu đồng/m2 trở lên hiện chỉ chiếm từ 20 – 30% nhưng nhu cầu về phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp dưới 25 triệu đồng/m2 lại chiếm tới 70 – 80% thị trường” – ông Nguyễn Trọng Ninh cho hay.
Do nguồn cung giảm sút nên chỉ số giá nhà và một số loại BĐS có sự biến động theo chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I/2020 (trong đó căn hộ trung cấp giá tăng 0,51%, căn hộ bình dân 0,77%), nhà ở riêng lẻ tăng 0,01%; TP Hồ Chí Minh giá căn hộ chung cư tăng 0,25% (trong đó căn hộ trung cấp tăng 0,64%, căn hộ bình dân tăng 0,94%), nhà ở riêng lẻ tăng 0,15%.
Chuyên gia tài chính TS Đoàn Văn Cương cho biết, BĐS là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, ước tính thị trường BĐS chiếm khoảng 40% lượng của cải vật chất, 30% tổng hoạt động của nền kinh tế và đóng góp khoảng 20% GDP của Việt Nam.
“Ngoài ra, BĐS còn liên quan đến sự phát triển của khoảng 90 ngành nghề khác và đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Nếu như thị trường BĐS bị đóng băng thì nền kinh tế quốc dân cũng sẽ bị khủng hoảng. Vì vậy, sự phục hồi của thị trường phụ thuộc nhiều vào việc thay đổi chính sách của Chính phủ và các chủ thể kinh tế” – TS Đoàn Văn Cương nhận định.

(Còn nữa)

"Trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh, các DN BĐS nên tập trung vào dòng sản phẩm giá thấp vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao. Dự báo trong ngắn hạn, phân khúc căn hộ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh số lượng và nguồn cung mới không nhiều; thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, TP nhưng giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với các năm trước." - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà