Khó nhưng làm được

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau rất nhiều lưỡng lự, như người đẽo cày giữa đường, Sở GTVT Hà Nội vừa đưa ra cho dư luận bàn bạc chủ trương đến năm 2030 cấm xe máy đi vào nội đô cũ, tức là khu trung tâm hiện nay, đồng thời có biện pháp hạn chế xe ô tô cá nhân đối với khu vực này (quy định điểm đỗ, ngày lưu hành, loại xe…).

Mới chỉ là dự thảo và còn những 13 năm nữa nhưng dự kiến trên lập tức gặp phải phản ứng gay gắt trong công luận, trong chuyên gia và trong dân, đến mức nhiều người đề xuất nản lòng, xin rút lui ý kiến…
 Dòng xe máy lưu thông gây ùn tắc trong giờ cao điểm trên phố Trần Duy Hưng.  Ảnh:  Phạm Hùng
Ai cũng có quyền ủng hộ hay phản đối nhưng càng dân chủ, càng cần phải làm rõ tại sao có những ý kiến phản đối đó và phản đối là vì những lý do gì, có cách gì khác tốt hơn không nếu giao thông ở Hà Nội bắt buộc phải tháo gỡ càng nhanh càng tốt, với hiện trạng hiện nay.
Thứ nhất, tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã đến độ bức xúc và ngày càng tăng lên (do dân số tăng, TP mở rộng, đời sống ngày càng cải thiện), nếu bây giờ không tính cách giải quyết thì còn tắc nữa, càng lâu càng vướng mắc, khó khăn. Thứ hai, với hoàn cảnh cụ thể của TP, hạ tầng giao thông cũ nát, chật hẹp và lại không có tiền, giảm bớt xe tư nhân, giải quyết việc đi lại cho dân cư bằng phương tiện công cộng là duy nhất đúng, không còn con đường nào khác. Dân chưa quen sẽ thành quen khi điều kiện thay đổi. Giữ nguyên hoàn cảnh cũ nhưng đòi hỏi ý thức thay đổi là không tưởng. Thứ ba, tất cả những ý kiến cho rằng cấm xe máy và ô tô là động chạm vào quyền con người, quyền được đi lại theo Hiến pháp là hữu khuynh, dân túy. Trong xã hội, mọi người ràng buộc lẫn nhau, quyền tự do chỉ có thể được tôn trọng khi tự do của người này không ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác. Đi xe cá nhân, chỉ biết thuận lợi cho mình mà ách tắc đường sá của hàng nghìn người thì quyền tự do ấy phải bị điều tiết. Ai điều tiết? Pháp luật và nói chung là Nhà nước - thông qua những đại diện của mình - điều tiết. Hãy thử nhìn những nước xung quanh, từ chỗ chen lấn, ùn tắc, đến mức tưởng như không thể dẹp nổi nhưng chỉ sau mấy năm, có lộ trình rõ ràng, có cách quản lý minh bạch, công bằng, nhiều TP lớn, thủ đô của một nước như Jakarta (Indonesia), Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Moscow (Nga ) và hàng loạt nước khác, TP khác đều vắng bặt xe máy. Ô tô cá nhân thì còn nhưng đỗ xe, vận hành phải trật tự, nền nếp. Như thế là có thể làm được, nếu có quyết tâm và bản lĩnh. Và người dân không phàn nàn gì, không như ta, mới có chuyện đỗ xe, số chẵn số lẻ đã ầm ĩ… Thứ tư, những người phản đối hãy nhìn sự vật tĩnh tại. Hôm nay và 13 năm nữa như nhau. Biết đâu 13 năm sau, chúng ta sẽ có tiền để phát triển hàng không, có máy bay không người lái để vận chuyển hàng hóa và người. Có tàu điện ngầm chằng chịt để không phụ thuộc vào đường bộ. Có ô tô điện cỡ nhỏ để tránh kẹt đường. Có xe máy không nặng nề kềnh càng và ô nhiễm môi trường và nhiều phương tiện giao thông khác bây giờ chưa hình dung ra. Đến lúc đó mới thấy những sáng kiến này là hợp lý và làm theo thì có muộn chăng?
Cách đây vài chục năm, Hà Nội trên trời dưới xe đạp. Thế rồi xe đạp hết lúc nào không hay. Cuộc sống vận hành theo quy luật của nó, không nên lấy cớ này cớ nọ để cả vú lấp miệng em, làm thui chột những ý tưởng táo bạo.