Đừng để người bệnh rơi vào “bẫy”

Hải Lý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nhiều vi phạm và tai biến y khoa liên quan đến phòng khám (PK) tư trên địa bàn, sáng 21/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ đã kiểm tra đột xuất một số phòng khám (PK) tư tại Hà Nội và phát hiện nhiều vi phạm.

Làm việc với Sở Y tế Hà Nội ngay sau buổi kiểm tra, nhiều câu hỏi được đặt ra về công tác quản lý PK tư nhưng chưa có lời giải.
Liên tiếp tái phạm
Dù diện tích khá rộng rãi ngay trên mảnh "đất vàng" (212 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội), nhưng cơ sở vất chất, trang thiết bị của PK Thiên Tâm lại quá sơ sài, nhếch nhác. Tại thời điểm kiểm tra, 2 bác sĩ người Trung Quốc được đăng ký hành nghề đều không có mặt. Ngay từ tầng 1, quầy thu ngân, quầy đón tiếp bệnh nhân không có biển hiệu. Phòng xét nghiệm, siêu âm không có nhân viên, máy móc thiết bị thiếu thốn. Sổ sách của PK không đúng mẫu của Bộ Y tế, việc ghi chép không đầy đủ.
Đặc biệt, PK không lưu đơn bệnh nhân, cũng không lưu giữ hồ sơ bệnh án đầy đủ. Bảng niêm yết giá dịch vụ y tế tại PK được dán một cách sơ sài. Đáng chú ý, qua kiểm tra hồ sơ sổ sách cho thấy có nhiều danh mục kỹ thuật được PK niêm yết nhưng không có trong hồ sơ các danh mục được cấp phép. Theo đại diện PK, đơn vị này không thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nhưng tại PK vẫn bố trí Phòng Kế hoạch hóa gia đình. Kiểm tra tại phòng này, lực lượng chức năng phát hiện trong phòng có dụng cụ bơm hút thai.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc với Sở Y tế Hà Nội ngay sau buổi kiểm tra phòng khám tư.
Ngoài ra, PK còn quảng cáo một số kỹ thuật quá phạm vi cho phép. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, cuối năm ngoái, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra PK này và phát hiện cơ sở thực hiện dịch vụ kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Do đó, Thanh tra Sở đã tạm đình chỉ hoạt động của PK này thời hạn 4,5 tháng và phạt hành chính 120 triệu đồng. PK Thiên Tâm vừa mới được hoạt động trở lại cách đây vài tuần, nay lại tiếp tục vi phạm. “PK tư nhân lẽ ra phải khang trang, sạch đẹp, đón tiếp niềm nở, trang phục sạch đẹp thì mới hút được bệnh nhân, nhất là phải đảm bảo an toàn người bệnh, làm tốt công tác chống nhiễm khuẩn, chống sốc. Với PK này, cơ sở vật chất nhếch nhác, dụng cụ sơ sài, chống nhiễm khuẩn không đạt, vậy mà bệnh nhân vẫn đến thì đúng là quá... dũng cảm”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Trước những vi phạm này, Bộ trưởng yêu cầu PK phải khắc phục ngay và đề nghị Sở Y tế giám sát chặt, xử lý nghiêm vi phạm.
Ngay khi rời PK Thiên Tâm, Bộ trưởng tiếp tục đến kiểm tra PK Family Medical Practice (298 Kim Mã, quận Ba Đình) trực thuộc Công ty TNHH Phòng khám gia đình Hà Nội. Tại đây có trang thiết bị đầy đủ, phòng ốc sạch sẽ, nhân viên hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo, PK tuân thủ nghiêm túc các qui định của Bộ Y tế.
Khó quản phòng khám tư
Ngay sau buổi kiểm tra các phòng khám tư nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y Hà Nội về công tác quản lý y tế tư nhân trên địa bàn.
Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2016 và quý I/2017, Sở Y tế đã kiểm tra 170 lượt cơ sở, trong đó xử lý vi phạm hành chính 102 lượt cơ sở (chiếm 60% tổng số lượt cơ sở được kiểm tra) với số tiền phạt gần 2,6 tỷ đồng. Đã có 5 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, tước Giấy phép có thời hạn 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 bác sĩ, thu hồi Giấy phép hoạt động 3 cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tại PK Family Medical Practice.
Đối với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài, từ đầu năm 2017 đến nay, Sở đã kiểm tra 26 PK, trong đó thu hồi Giấy phép hoạt động 3 cơ sở, xử phạt hành chính 4 cơ sở, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở là PK đa khoa Nhân Ái (709 Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội). Tước chứng chỉ hành nghề 1 bác sĩ Trung Quốc tại PK Đa khoa Thái Hà do hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn tại chứng chỉ hành nghề.
Theo đánh giá của ông Hạnh, hoạt động của các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh nước ngoài còn nhiều tồn tại. Cụ thể, việc chấp hành pháp luật một bộ phận người hành nghề, các DN chưa nghiêm. Cá biệt có những cơ sở đã bị xử lý phạt tiền nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. "Thậm chí có cơ sở đang trong thời gian đình chỉ hoạt động nhưng không chấp hành mà vẫn lén lút hoạt động, thông qua việc quảng cáo trên internet và giao dịch với bệnh nhân qua mã khám bệnh điện tử", ông Hạnh dẫn chứng.
Ông Hạnh cho biết thêm, có trường hợp người nước ngoài hoạt động khám chữa bệnh nhưng không đăng ký, sử dụng người phiên dịch không đúng với nhân sự đã đăng ký đã được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép. Có cơ sở khám chữa bệnh không có người phiên dịch có văn bằng chuyên môn về y tế hoặc bằng chuyên môn được làm giả. Khi đoàn kiểm tra đến, có cơ sở sử dụng bác sĩ Trung Quốc nhưng không hợp tác với Đoàn mà né tránh, trốn khỏi PK. Bên cạnh đó, ông Hạnh cũng chỉ ra nhiều cơ sở quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh không đúng với nội dung được phê duyệt, không đúng với phạm vi chuyên môn.
Chưa có lời giải
Bộ trưởng Bộ Y tế đặt câu hỏi: "Tại sao PK tái diễn vi phạm liên tiếp mà vẫn hoạt động, chẳng nhẽ không có giải pháp khắc phục? Vì sao khi kiểm tra, PK không đủ điều kiện vẫn cấp phép hoạt động. Nếu làm không nghiêm sẽ rất khó giải quyết". Lãnh đạo UBND quận Đống Đa thừa nhận: "Để tái diễn vi phạm là trách nhiệm của chính quyền địa phương", tuy nhiên vị lãnh đạo này cũng chưa đưa ra được giải pháp để quản chặt PK tư trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra tại PK Family Medical Practice (298 Kim Mã, quận Ba Đình).
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, những quy định của pháp luật hiện tại đủ để quản chặt PK tư nhưng cơ sở vẫn làm chưa hiệu quả. Nhiều đơn vị kêu thiếu nhân lực, nhưng theo ông Quang, tỷ lệ cán bộ hiện “rất nhiều so với đầu dân”. Lý do vì sao quản lý chưa hiệu quả? Ông Quang chỉ rõ: Đó là do trách nhiệm của chính quyền địa phương. “Vi phạm xảy ra trên địa bàn, đã có đồng chí lãnh đạo xã, phường, quận, huyện, phòng y tế nào bị xử lý chưa? Năng lực của đội ngũ lãnh đạo như thế nào, đạo đức ra sao, có hiện tượng bao che vi phạm hay không? Chúng ta phải làm rõ mới quản lý được”.
Bên cạnh đó, việc tập huấn vẫn thực hiện thường xuyên nhưng nhận thức của người được tập huấn đến đâu. Việc tuyên truyền cũng chưa đạt hiệu quả, khi người dân không biết sơ sở nào tốt, cơ sở nào xấu để lựa chọn. “Vì sao những PK tư xập xệ, thiếu thốn, vi phạm như thế mà người bệnh vẫn rơi vào bẫy, rõ ràng chúng ta chưa tuyên truyền được để người dân tránh”, ông Quang nhấn mạnh. Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính tiếp lời: “Cần công khai kết quả thanh, kiểm tra để người dân biết và có cở sở lựa chọn nơi khám bệnh”. Ông Chính cũng chỉ rõ việc thanh, kiểm tra hiện nay ở các địa phương chủ yếu nhắc nhở, còn xử phạt chưa nghiêm, nên nhiều đơn vi vi phạm tái đi tái lại.
Trước những vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, tới đây TP sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý quyết liệt hơn. "Hà Nội đã quy định rất rõ trách nhiệm trong công tác quản lý y tế trên địa bàn, chúng tôi yêu cầu các quận, huyện và các ngành chức năng siết chặt quản lý, xử nghiêm vi phạm", Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần