Khó Tiếp cận tín dụng: Lỗi không chỉ từ ngân hàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam thấp hơn Malaysia và Campuchia. Các DN, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

 Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Vietcombank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Tài sản đảm bảo - khó khăn cố hữu
Tại hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính – Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng” tổ chức cuối tuần qua, TS Võ Trí Thành cho rằng, Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018, Việt Nam xếp hạng 29/190, đạt 75 điểm trong thang điểm 100 nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình cả khu vực OECD (tổ chức hợp tác và phát triển), Đông Á - Thái Bình Dương và thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thấp hơn Malaysia và Campuchia ở vị trí 20. Nhiều DN nhỏ gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng mà nguyên nhân chủ yếu là do những vấn đề nội tại của chính DN: Trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu; trình độ lao động thấp; thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý. Đặc biệt, DNNVV thường thiếu tài sản đảm bảo.

“Đơn cử như đối với ngành nông nghiệp, nếu tài sản thế chấp không tính quyền sử dụng đất mà chỉ tính nhà xưởng thì rất khó để người dân có thể tiếp cận tín dụng. Khuôn khổ pháp luật hiện hành làm cho nông nghiệp và DN khởi nghiệp rất khó tiếp cận những nguồn vốn tín dụng của ngân hàng để phát triển" - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói.

Theo định hướng của NHNN, các sản phẩm tín dụng tín chấp cũng đã được nhiều ngân hàng trong hệ thống triển khai từ năm 2014. Điển hình như Vietcombank thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên với mức giảm 0,5%/năm; Sản phẩm cho vay không tài sản bảo đảm và thẻ tín chấp dành cho khách hàng DN của VPBank.

Tuy nhiên, đại diện VP Bank nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn các DN siêu nhỏ, vừa và nhỏ chứng minh được 3 vấn đề, đó là làm ăn nghiêm chỉnh; minh bạch về thông tin với ngân hàng; có sự tâm huyết về ngành kinh doanh đang làm (không dùng vốn vay để đầu tư ngoài ngành). Nếu đáp ứng được các yêu cầu trên thì DN có thể tiếp cận vốn một cách dễ dàng".

Vốn không thiếu nếu DN tạo được niềm tin

Thừa nhận dù có cơ chế cho vay tín chấp nhưng chỉ với các DN đã có mối quan hệ tín dụng từ trước và được xếp hạng nội bộ cao, đại diện Vietcombank bày tỏ DN nên minh bạch hơn trong các báo cáo để tạo cơ sở cho ngân hàng cho vay, đồng thời nên nghiên cứu để có giải pháp mới cho DNNVV, thông qua cơ chế quỹ bảo lãnh.

Theo đại diện HD Bank, ngân hàng này đang cho vay DN xuất khẩu với lãi suất từ 6,5 – 7%, đồng thời cũng xem xét đề xuất ý tưởng phối hợp với Quỹ Phát triển DNNVV triển khai cho vay đối với các DN đầu tư xây chuồng trại để cho thuê lại theo hướng tách gói cho vay vốn đầu tư vào trang trại và máy móc thiết bị riêng biệt để giảm lãi suất bình quân cho DN.

Theo ông Nguyễn Đức Long - Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê NHNN cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, bản thân DN cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng. Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ để hỗ trợ các quỹ bảo lãnh tốt hơn.

Theo các chuyên gia, nguồn vốn đóng vai trò rất quan trọng khi mục tiêu hướng tới 1 triệu DN vào năm 2020. Kinh nghiệm từ Nhật Bản, một điểm nổi bật hệ thống tín dụng hỗ trợ đối với DNNVV của Nhật Bản là các Hiệp hội bảo lãnh tín dụng (hiện có 51 Hiệp hội trên toàn quốc).
Theo đó, DNNVV sẽ đóng phí để được bảo lãnh vay vốn từ các tổ chức tài chính tư nhân. Nếu DN phá sản, Hiệp hội bảo lãnh sẽ hoàn trả tiền vay cho tổ chức tài chính. Cũng chính công ty tài chính chính sách cung cấp bảo hiểm đối với khoản bảo lãnh của các Hiệp hội. Có thể nói, hệ thống này là “lưới đỡ” an toàn cho các DNNVV, đồng thời góp phần thúc đẩy các tổ chức tài chính tư nhân cấp tín dụng cho các DN.