Khổ vì Giấy phép lái xe vật liệu PET

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/10/2015, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 58/2015/TT - BGTVT, trong đó nêu rõ lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) bằng giấy bìa sang vật liệu PET.

Quy định này đang gây nhiều khó khăn, bức xúc cho cả người dân lẫn Sở GTVT các địa phương.
Nháo nhào vì hạn chuyển đổi
Vài tháng qua, các điểm cấp đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Người dân kéo đến xếp hàng từ 5 - 6 giờ sáng, chen chúc chờ cấp đổi GPLX từ giấy bìa sang vật liệu PET. Dù rằng thời hạn trong Thông tư 58 nêu rõ, việc chuyển đổi sang vật liệu PET đối với GPLX hạng A1 (bằng lái xe máy) phải đến 31/12/2020 mới hết nhưng đa số trường hợp đăng ký cấp đổi vẫn là GPLX hạng A1. Anh Nguyễn Văn Bảy (Sơn Tây) than phiền: “Đang dùng GPLX bằng giấy bìa yên ổn, tôi cũng ép plastic cẩn thận chứ có để quăn rách đâu. Đùng cái bảo đổi, quá hạn phải thi lại lý thuyết, tôi đành bỏ công bỏ việc đi làm cho xong”.

Trả GPLX vật liệu PET tại bộ phận một cửa, Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải

Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Đình Nghĩa cho biết, chỉ riêng 2 tháng 10 và 11, bộ phận Một cửa của Sở đã cấp, đổi 78.000 GPLX các loại, trong đó có 52.000 GPLX hạng A1 (GPLX lái xe máy). Ngoài ra, tại 40 cơ quan được cấp đổi GPLX tại trụ sở có tới 8.000/8.500 trường hợp cũng là GPLX hạng A1. “Thực tế này khiến cả con người lẫn máy móc của chúng tôi đều rơi vào tình trạng quá tải. Hầu hết người dân chưa nắm được thời hạn chuyển đổi GPLX, sợ phải thi lại lý thuyết hoặc bị phạt khi tham gia giao thông nên vẫn ùn ùn kéo đến đăng ký cấp đổi”.
Ông Nguyễn Đình Nghĩa thông tin thêm, người dân nên chú ý đến hạn sử dụng trên GPLX, nếu còn hạn thì cứ sử dụng, vì hiện vẫn chưa có bất cứ một văn bản, quy định nào đưa ra chế tài xử phạt đối với GPLX còn hạn nhưng chưa chuyển đổi sang vật liệu PET. “Hơn nữa, đối với bằng lái xe máy, phải đến 31/12/2020 mới hết hạn chuyển đổi. Người dân không nên sốt ruột, vội vàng đi đổi, vừa gây khó khăn cho cơ quan cấp đổi, vừa phiền hà cho chính bản thân mình” - ông Nghĩa nói.
Đơn phương hủy hẹn
Việc chuyển đổi GPLX từ giấy bìa sang vật liệu PET đã được Bộ GTVT đề ra tại Thông tư số 38/2013/TT - BGTVT ban hành ngày 24/10/2013. Thông tư 38 cũng quy định, người có GPLX bằng vật liệu giấy, nếu còn thời hạn sử dụng và không có nhu cầu thì không buộc phải đổi. Thế nhưng, ngày 20/10/2015, Bộ GTVT lại ban hành Thông tư số 58/2015/TT - BGTVT. Điều 57, Thông tư này quy định, GPLX bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET theo lộ trình: GPLX ô tô và GPLX hạng A4: Trước ngày 31/12/2016; GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3): trước ngày 31/12/2020. Hơn nữa, sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, người có GPLX bằng giấy bìa sẽ phải sát hạch lý thuyết để cấp lại GPLX. Anh Nguyễn Văn Bảy nhìn nhận: “Như Thông tư 38 là khuyến khích người dân chuyển đổi, nhưng đến Thông tư 58 lại đã trở thành bắt buộc. Thú thực là tôi cũng chưa hiểu rõ tại sao phải chuyển đổi sang GPLX vật liệu PET? Và, nếu không chuyển đổi thì vi phạm điều luật nào mà phải thi lại lý thuyết?”.
Dư luận cũng cho rằng, thời hạn sử dụng in trên GPLX thực ra là kỳ hẹn mà cơ quản lý giao ước với người được cấp. Việc Bộ GTVT ban hành Thông tư 58, bắt buộc người dân phải chuyển đổi GPLX với mức phí 135.000 đồng/GPLX, quá hạn phải thi lại lý thuyết, là hình thức “đơn phương hủy hẹn”. Nếu đã đơn phương hủy hẹn thì không nên bắt người dân phải trả phí, hơn nữa còn phải có đầy đủ biện pháp để phục vụ người dân chuyển đổi thuận tiện, nhanh chóng nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GTVT cần giải thích rõ ràng sự khác biệt giữa thời hạn sử dụng in trên GPLX và lộ trình quy định trong Thông tư 58. Nếu một mai lại bắt chuyển đổi giữa chừng sang GPLX bằng kim loại chẳng hạn thì người dân lại phải bỏ tiền, tốn thời gian công sức để chạy theo hay sao?
Ngoài 3 điểm tiếp nhận: Số 2 Phùng Hưng (Hà Đông), số 16 Cao Bá Quát (Ba Đình), KĐT Việt Hưng (Long Biên), Sở còn thực hiện cấp đổi GPLX qua mạng, qua bưu điện, tại trụ sở làm việc. Người dân nên lựa chọn kênh đăng ký phù hợp, thuận tiện nhất với mình, bởi các kênh cấp đổi đều có thủ tục, thời gian thực hiện đơn giản như nhau.
Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội
Nguyễn Đình Nghĩa

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần