Khổ vì nắng nóng

Nhật Uyên - Nam Trần - Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng nhất từ đầu Hè đến nay khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Trên mọi cung đường, nhiều phận đời vẫn vất vả mưu sinh. Trong bệnh viện, bệnh nhân cũng bải hoải vì nắng nóng...

 Người dân chờ đèn đỏ dưới bóng cây (Ảnh chụp trên đường Láng, đoạn giáp ngã tư Láng - Lê Văn Lương) trưa 17/5/2018.
Vất vả mưu sinh
Ngày 17/5, nhiệt độ ngoài trời lên đến 40oC, nhiều người ra đường phải trang bị áo khoác, khẩu trang, kính... nhưng cái nắng như đổ lửa vẫn táp vào da thịt. Trên các ngả đường, luôn bắt gặp sự vội vã như thể muốn "trốn nóng", nhưng cũng có rất nhiều người vì công việc, hoặc vì mưu sinh vẫn phải miệt mài làm việc.

Ông Nguyễn Văn Chương (56 tuổi, ở quận Hoàng Mai) làm xe ôm trên tuyến đường Giải Phóng đã nhiều năm, dường như gầy và đen đi sau mấy ngày nắng nóng vừa qua.
Buổi trưa, ông tranh thủ ngả lưng, chợp mắt ở bóng râm bên vệ đường. Đầu giờ chiều, dù nắng gắt, bỏng rát, hễ có khách là ông lại lên đường. “Nóng lắm, nhưng vẫn cứ phải kiếm cơm, không chạy xe thì lấy gì nuôi con ăn học” - Nói rồi ông kể, gia đình có 6 miệng ăn, 2 đứa con đi học, một đứa cấp 3, một đứa đại học, vợ bán hàng ở chợ Đền Lừ, bố mẹ già thường xuyên đau ốm. Thế nên, dù ngày mưa hay nắng, ông Chương đều phải ra đường hành nghề xe ôm. “Nắng nóng thế này khách cũng ngại đi xe ôm, đa số đi taxi, chỉ những người quen, hoặc đi quãng đường gần mới gọi xe ôm” - ông Chương cho biết.
Theo ghi nhận của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI), sản lượng điện tiêu thụ toàn TP đã đạt 64,6 triệu kWh (ngày 16/5), mức tiêu thụ điện trong ngày cao nhất từ đầu năm. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân các ngày trong tháng 5 đã tăng 21% so với tháng 4.
Còn chị Hồng (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) bán hàng ở cổng Bệnh viện 103 thì không một lúc nghỉ ngơi dù nắng như đổ lửa. Hàng ngày, chị dậy từ 4 giờ sáng, đi chợ, mua các loại ngô, khoai, lạc làm xôi mang ra cổng bệnh viện bán. Mỗi ngày, chị lãi được khoảng 300.000 đồng, tạm đủ trang trải cuộc sống. Chị Hồng cho biết, chị bán ở đây từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm, buổi trưa nghỉ 1 tiếng tranh thủ về nhà ăn trưa, đầu giờ chiều lại quẩy gánh đến ngồi cổng bệnh viện.

Cùng cảnh mưu sinh trong nắng nóng, bà Trần Thị Thu (quê Hà Nam) vẫn mặc áo chống nắng, đẩy xe nhặt và thu mua đồng nát khắp các ngõ ngách. “Quanh các hàng ăn, trạm xe buýt, bến xe, người dân thường vứt lon, chai nhiều, đặc biệt là buổi trưa, nên tôi tranh thủ; chứ nắng nóng mà ở nhà thì lấy gì mà ăn” - bà Thu chia sẻ.

Căng mình làm nhiệm vụ

Dù nắng nóng gay gắt, các chiến sĩ CSGT Thủ đô vẫn căng mình điều tiết, hướng dẫn phương tiện để đảm bảo trật tự ATGT. Ghi nhận tại một số nút giao thông như: Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, Láng – Lê Văn Lương, Láng Hạ - Thái Hà… vi phạm luật giao thông có chiều hướng gia tăng. Tại đây, thay vì dừng chờ đèn đỏ trước vạch sơn, nhiều người chọn dừng chờ ngay dưới gầm cầu, dưới tán cây, thậm chí vượt đèn đỏ. Trong cái nắng chang chang, hơi nóng từ mặt đường nhựa bốc lên rát mặt, Thiếu úy Đinh Tuấn Anh (Đội CSGT số 3) cho hay: “Nắng nóng, oi bức là bình thường với CSGT. Điều quan trọng là phải đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, hoàn thành công việc được giao”.
 Người dân tránh nóng dưới các hầm đi bộ
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, dịp này, Phòng CSGT yêu cầu các đơn vị tăng cường lực lượng chốt trực, tổ chức phân làn giao thông tại các điểm nóng, đặc biệt là giờ cao điểm. Cùng với đó, Phòng CSGT cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kịp thời hỗ trợ người tham gia giao thông trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Khổ như đi bệnh viện

Những ngày qua, tại các bệnh viện (BV), từ bệnh nhân đến người nhà đều vật vã vì nắng nóng. Theo ghi nhận của phóng viên tại các BV lớn như BV Bạch Mai, Phụ sản, Xanh Pôn, Nhi T.Ư... trong mấy ngày qua, hàng loạt người đổ đến BV khám bệnh hoặc trông nom người nhà.

10 giờ sáng 17/5, đường dẫn vào BV Nhi T.Ư kẹt cứng. Trời nắng nóng 39 - 40oC, bước chân vào khu khám bệnh là không khí ngột ngạt, oi bức dù quạt chạy hết công suất. Tại đây, mỗi ngày có đến gần 3.000 trẻ đến khám, nhiều trẻ có tới 2 phụ huynh đi kèm. Những dãy hành lang và các bóng cây mát trong BV đều kín người ngồi nghỉ. Ở đó, nhiều bà mẹ luôn tay quạt mát cho con, thi thoảng lại lấy khăn thấm mồ hôi cho trẻ. Trẻ em, người lớn, ai cũng lộ vẻ mệt mỏi vì phải chờ đợi.

Chị Mai Thu Hằng (quê Thái Bình) đưa con đi khám ở BV Nhi T.Ư cho biết, con chị bị viêm phế quản, điều trị BV tỉnh nhưng không đỡ. Chị đưa con đến BV Nhi T.Ư để khám từ 6 giờ sáng, nhưng đến gần 11 giờ trưa mới mới chụp được X-quang. Còn một số xét nghiệm, đợi đến chiều mới có kết quả. Tương tự tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, số trẻ đến khám chưa tăng nhiều, nhưng nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng. Trẻ chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản; sốt virus.

Theo các bác sĩ, thời điểm nắng nóng, mọi người nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt nên tránh lúc giữa trưa và đầu giờ chiều. Đối với trẻ em, nếu cho trẻ nằm phòng điều hòa, không để nhiệt độ trong phòng chênh lệch với bên ngoài quá nhiều, tránh không để mũi bị khô, dễ bị bệnh; Đảm bảo cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, đặc biệt bổ sung các loại vitamin bằng trái cây, rau xanh.
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành rà soát, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống nóng như bổ sung quạt, bạt che, đảm bảo đủ nước uống, nước sinh hoạt cho người bệnh; có phương án giảm tải khu vực khám bệnh, nơi thu viện phí… giảm thời gian chờ đợi của người bệnh…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần