Khoa học công nghệ là chìa khóa tái cơ cấu nông nghiệp

Tin, ảnh: Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/1, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong suốt 30 năm qua, các nhà khoa học đã đóng góp thích đáng vào thành quả chung của toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể bằng lòng được vì đang đứng trước 3 thách thức lớn.
Ký kết hợp tác giữa các đơn vị của Bộ NN&PTNT với các DN trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN.
Thứ nhất, một nền sản xuất dựa trên quy mô nhỏ lẻ với 13,8 triệu hộ nông dân và 78 triệu mảnh ruộng. Thứ hai, Việt Nam được đánh giá là một trong 3 quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Kể từ khi công bố kịch bản biến đổi khí hậu năm 2012 đến nay, diễn biến nhanh hơn nhiều so với dự báo. Năm 2016 vừa qua điển hình chứng tỏ mức độ khốc liệt của thiên tai xảy ra. Nếu cứ giữ mô típ sản xuất cũ, chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ không thể chống chọi và thất bại.

Thách thức thứ ba là hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay chúng đang hội nhập kinh tế toàn cầu, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp đón nhận sự cạnh tranh quyết liệt mà ở giai đoạn đầu có nhiều yếu thế về tài nguyên, trình độ quản lý… Do đó, nếu 3 thách thức này không có giải pháp tháo gỡ thì nông nghiệp Việt Nam không những không phát triển được mà còn thụt lùi. Để đáp ứng sản xuất lớn hàng hóa, chiến thắng trong nông nghiệp cần sự đóng góp của các nhà khoa học. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ sẽ lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để hoàn thiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Theo Bộ NN&PTNT, sau 3 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các nhà khoa học đã tạo ra được 149 giống cây trồng vật nuôi mới, 65 quy trình công nghệ, 35 tiến bộ kỹ thuật cùng với nhiều giải pháp trong các lĩnh vực.

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã “bắt tay” ký kết với các đơn vị nghiên cứu KHCN, DN để triển khai nhiều dự án thuộc đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Công ty CP Hùng vương xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao và liên kết tiêu thụ cá tra; Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II phối hợp với Tập đoàn Việt Úc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất tôm nước lợ; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giống cây trồng và phân bón; Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong chọn tạo giống dừa và một số loài cây trồng nông nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần