Khoai lang - Món ăn, bài thuốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo đông y, rau khoai lang còn gọi là "sâm nam", lá khoai lang rất mát và bổ, tính bình, vị ngọt, không độc, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, dùng chữa tỳ hư, kém ăn, thận âm bất túc.

Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g rau khoai lang có 91,9g nước, 2,6g protid, 2,8g glucid, 1,4g xenluloza, 48mg canxi, 54mg photpho, 11mg vitamin C. Củ khoai lang cũng rất giàu giá trị dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin A, B, C, E, protein, tinh bột, chất nhựa, các axit amin và hơn 10 loại nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khoẻ cơ thể như: canxi, kẽm, sắt, magie… Tuy nhiên, những trường hợp đường huyết thấp, viêm dạ dày đa toan, tiêu chảy thì không nên dùng khoai lang. Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ khoai lang:

Chữa chứng kiết lỵ, đi ngoài: Nướng chín củ khoai lang, bóc vỏ, chấm mật ong, ăn ngày 3 lần cho đến khi cắt cơn kiết kỵ, đi ngoài.

Chữa táo bón: Dùng củ tươi gọt vỏ, nghiền nát chế nước chín, quấy đều, uống sáng sớm lúc đói 1/2 cốc to và 1/2 cốc uống trước bữa ăn.

Chữa chứng cảm cúm, sốt: Khoai lang trắng khô 1 nắm, nghệ 1 củ, giấm nửa bát con, sắc uống lúc thuốc còn nóng.

Thanh nhiệt, giải độc: Khoai lang 400g, gạo 200g, mã thầy 4 củ, củ cải 1 củ, tỏi 3 nhánh, thịt gà 150g, tôm nõn 70g, gia vị đủ dùng. Các thứ trên giã nát, nấu nhừ, sau đó cho mã thầy và đậu xanh vào đun tiếp cho nhừ. Chia ăn trong ngày.

Sản phụ thiếu sữa: Ăn lá khoai lang hàng ngày (có thể nấu canh hoặc xào với thịt lợn) sẽ giúp sản phụ tăng kích thích tuyến sữa.

Giúp giảm cân: Khoai lang không chứa chất béo và cholesterol, ngăn ngừa quá trình chuyển hoá đường trong thức ăn thành mỡ và chất béo trong cơ thể. Củ khoai lang là loại quả tuyệt vời cân bằng dinh dưỡng nhưng lại chứa ít năng lượng nên khi ăn nhanh sẽ tạo cảm giác no bụng. Bởi vậy, nếu bạn ăn khoai lang trước bữa ăn chính sẽ làm giảm được một lượng lớn thức ăn đưa vào cơ thể mà không hề có cảm giác đói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần