Khoảng cách “học” và “hành”

Đàm Quân
Chia sẻ Zalo

Một trong những nguyên nhân của vấn nạn ùn tắc, TNGT là các hành vi vi phạm về luật của người tham gia giao thông.

Mặc dù đã có Luật Giao thông đường bộ và hệ thống chính quyền đã tuyên truyền, phổ biến giáo dục thường xuyên, liên tục nhưng tình trạng vi phạm luật vẫn luôn hiện hữu khắp nơi.
Học nhiều...
Có thể nói, hệ thống tuyên truyền, phổ biến giáo dục về luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng được triển khai rất công phu, bài bản. Ngay từ tuổi mẫu giáo, các cháu đã được làm quen với những nguyên tắc tối thiểu khi tham gia giao thông, đó là được dạy "đèn đỏ: dừng lại", "đèn xanh: được đi". Hoặc khi sang đường phải đúng làn, vạch quy định dành cho người đi bộ. Đi đường phải đi đúng phần đường bên tay phải… Lớn hơn một chút sẽ được học nhiều hơn về các luật lệ này trên ghế nhà trường. Còn khi trưởng thành, để được điều khiển phương tiện mô tô, xe máy hoặc hơn nữa là ô tô thì chắc chắn ai cũng phải trải qua những khóa học để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện điều khiển phương tiện...

Cảnh sát giao thông tuyên truyền pháp luật cho học sinh vi phạm luật tại nút giao Kim Mã - Liễu Giai.  Ảnh: Chiến Công

Kể ra như vậy để thấy rằng về lý thuyết, chúng ta đã làm rất “bài bản” và rất “đúng quy trình”. Thế nên khi đã có giấy chứng nhận (hay nôm na là bằng lái xe) thì sẽ yên tâm là đã có “bảo bối” để đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên chất lượng của sự hiểu và thực hiện theo luật sau khi đã được học và có giấy chứng nhận, bằng lái này vẫn còn nhiều việc để bàn!.
Chẳng hạn, người đã có giấy phép lái xe máy thì hẳn phải biết quy định khi ngồi lên xe máy là phải đội mũ bảo hiểm; cấm uống rượu, bia; cấm đi vào đường ngược chiều; cấm đi trên đường cao tốc chỉ dành cho ô tô. Hay đơn giản nhất là dừng, đỗ đúng trước vạch quy định tại các điểm nút có đèn tín hiệu giao thông… Vậy tại sao vẫn có rất nhiều người không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy? Rất nhiều phương tiện đi vào đường ngược chiều? Rất nhiều xe máy đi vào đường cao tốc, kể cả đường trên cao là nơi cấm tuyệt đối với xe máy? Đặc biệt, rất nhiều phương tiện dừng đỗ tùy tiện, sai quy định lấn làn, lấn vạch tại các điểm nút có đèn tín hiệu giao thông? Và rất nhiều người ngồi sau tay lái khi vừa uống rượu, bia?
…Thực hành ít
Nguy hiểm nhất là sự vi phạm luật của những người điều khiển ô tô. Bởi ngoài việc coi thường tính mạng của bản thân thì khi điều khiển ô tô, nhất là các loại xe chở khách, người vi phạm luật còn có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều người. Những lỗi thường gặp nhất của lái xe khách là “phóng nhanh, vượt ẩu, cướp đường, giành khách” bất chấp có thể gây tai nạn khi thực hiện những hành vi này. Có một thực tế là những tài xế này tuy có bằng lái, tức là đã qua các kỳ sát hạch về luật và tay lái, nhưng trên thực tế khi lái xe họ rất ít khi thực hiện đúng luật. Vi phạm thường gặp là không bật đèn tín hiệu khi chuyển làn, chuyển luồng, lái xe vượt quá tốc độ cho phép, dừng đỗ ngay dưới chân các biển chỉ dẫn “cấm dừng, cấm đỗ”. Hoặc là đi sai làn, sai luồng, vượt ẩu, sử dụng đèn far không đúng quy định. Chẳng hạn trên đường hai chiều nhưng khi có xe đi ngược lại, đa số lái xe vẫn sử dụng đèn far (đèn chiếu xa) mà không hạ xuống cos (chiếu gần) đã làm ảnh hưởng tầm nhìn của lái xe đi ngược chiều, dẫn đến tai nạn do không quan sát được. Nguy hiểm hơn nữa là có những người lái xe sau khi đã uống rượu, bia vì cho rằng phải “tây tây một chút chạy mới bốc”. Và đó chính là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thảm khốc do người lái không làm chủ được tốc độ và phương tiện.
Rồi tình trạng “mua bằng”, bằng giả cũng là nguyên nhân gây nên những vụ tai nạn. Người viết bài này đã từng phải quay đầu giúp một lái xe taxi chết máy, chắn ngang giữa đường do… không biết lùi! Theo như bộ đồng phục thì anh ta lái xe cho một DN taxi nổi tiếng. Trong lúc đang quay đầu ở ngã tư Nguyên Hồng – Huỳnh Thúc Kháng thì xe chết máy nằm chắn ngang giữa đường. Lúc ấy là “giờ cao điểm” đầu buổi sáng, cả hai chiều đường đều đông các phương tiện dồn vào nên tiếng còi thúc giục inh ỏi. Chẳng biết học hành ở đâu mà anh ta chưa biết lùi, lại thấy nhiều xe dồn ứ, hoảng quá bỏ xe đấy chạy vào bên đường. Vừa thấy người viết bài đánh xe vào bãi, cậu ta vội chạy đến mặt vẫn tái mét, miệng lắp bắp “Bác ơi, bác “quay” hộ cháu cái xe, cháu không biết lùi!”…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần