Khoảng lặng sau ngày khai giảng

Chi Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau ngày tựu trường của hàng chục triệu học sinh trong cả nước là câu chuyện không hề vui vẻ được xới lên: Chuyện về “vuông, tròn, tam giác” của sách lớp 1 trong bộ sách công nghệ giáo dục. Mà khởi điểm của sự việc là 1 clip không đầu không cuối xuất hiện trên mạng. rn

Ảnh minh họa.

Dư luận đổ xô vào “ném đá” công nghệ giáo dục, dành những lời chửi bới không thương tiếc khiến nhiều thầy cô ủng hộ công nghệ này bị tổn thương. Lỗi của sự việc một phần ở hệ lụy trong thời công nghệ số, nhưng phần nữa là niềm tin vào giáo dục đã giảm sút theo thời gian.

Không bàn nhiều về sự đúng sai của phương pháp cải cách giáo dục hiện nay, chỉ thấy rõ ràng, ngay sau clip được phát tán, rất nhiều người đã hùa vào theo đám đông để chửi bới. Từ chửi trên các trang cá nhân, đến các trang truyền thông cũng hùa phản đối dù chưa từng kiểm chứng. Mọi người vội vã lăng mạ cá nhân, phê phán sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn dọa sẽ cho con mình nghỉ học... nếu nhà trường chọn dạy trẻ theo bộ sách công nghệ giáo dục.

Sau tất cả những lần “ném đá” rồi giải thích, dư luận lại phân ra làm 2 luồng, phía ủng hộ phía bài trừ. Nhưng sau sự việc người ta có quyền đặt câu hỏi tại sao từ 1 vấn đề đã được áp dụng thực nghiệm 40 năm liên tục đến nay lại bị phản ứng dữ dội như vậy? Đầu tiên đến từ thực tế việc cải cách giáo dục còn rườm rà, tốn kém trong nhiều năm qua. Nhiều người có tâm lý thà lạc hậu chút xíu mà ổn định, dễ nhận biết, dễ áp dụng, còn hơn cải cách rối rắm, lúc này lúc kia, khó nắm bắt. Lý do nữa là trong thời gian qua, quá nhiều vụ việc từ chuyện cải cách, thay đổi của giáo dục khiến người dân mất lòng tin. Những vụ việc gian lận thi cử ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và hình như nó đang chìm theo thời gian. Nhiều người cho rằng, việc vạch ra sự gian dối trong thi cử, nhận ra những sai sót trong quá trình cải cách giáo dục dù đã mạnh bạo hơn nhưng cũng chỉ là nửa vời làm yên lòng dư luận hơn là làm trong sạch nền giáo dục. Chính vì vậy, dù sau khi clip giảng dạy công nghệ giáo dục được chia sẻ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã đăng đàn giải thích, nhưng không… dẹp được dư luận.

Vẫn biết, “ném đá” tập thể một sự việc chưa rõ đầu rõ cuối là không nên. Vẫn biết, ngành nào cũng cần phải cải cách, đặc biệt là giáo dục, và tất nhiên không thể nói cải cách là phải hoàn hảo mà đôi khi cũng có thể sẽ có “sạn”; nhưng cũng hiếm ai đủ cái đầu thông thái khi nhìn nhận, góp ý cải thiện sự việc. Đó là nỗi buồn của dư luận.