Khoảng trống của hạnh phúc

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một người phụ nữ chia sẻ, cuộc sống của vợ chồng chị cũng giống như không ít gia đình hiện nay, do vòng quay của cuộc sống cứ cuốn đi theo công việc xoay tròn, xoay tròn mỗi ngày. Tự họ đã tạo ra những khoảng trống trong hạnh phúc.

Chị bảo, khi nhìn những cảnh gia đình sum họp hay ai đó kể chuyện về những bữa cơm chung, những cuộc trò chuyện giữa vợ chồng họ, tự nhiên chị chỉ muốn khóc. Chị chợt nhớ và suy ngẫm lại, đã rất lâu rồi vợ chồng chị không ngồi cùng mâm cơm với nhau bởi những bận rộn, lo toan và thú vui riêng lẻ dường như cứ kéo anh đi, không còn thời gian dành cho gia đình nữa.
Ảnh minh họa.
Chị không trách anh, bởi chính chị cũng từng chỉ biết có làm việc. Chị đi từ sáng sớm, tối khuya mới về, ít khi cùng ăn tối với chồng con. Chị đầu tắt mặt tối với công việc cả ngày để được thăng tiến, để có được vị trí như mình hằng mong muốn. Khi đó, chị cứ nghĩ rằng, mình đang tạo dựng một cuộc sống đầy đủ cho gia đình, một nền tảng kinh tế vững chắc cho con cái, chị đã không để ý rằng, gia đình chị đã lâu không còn tiếng cười, không còn những điểm chung, thậm chí ăn chung với nhau một bữa cơm cũng dường như lâu lắm rồi thì phải. Trong ngôi nhà khá tiện nghi của họ, chỉ thường xuyên có mặt bà giúp việc thay chị lo cho cậu con trai. Chị về muộn, anh còn về muộn hơn. Nhưng khi ấy, chị cũng coi đó là một lẽ tất nhiên bởi có lẽ anh cũng cần phải làm việc để thăng tiến.

Rồi thời gian trôi, cái cảnh cuộc sống gia đình dư thừa về vật chất, nhưng lạnh lẽo về tinh thần đó khiến chị thấy có điều gì không ổn. Giờ trở về nhà của anh mỗi ngày càng muộn hơn, có những khi, liên tục đến quá nửa đêm anh mới về trong tình trạng không còn tỉnh táo, vợ chồng cả mấy ngày không nói được với nhau câu nào. Mà cũng phải thôi, anh về sớm cũng để làm gì khi chị đâu có ở nhà để chờ đợi, để đón anh trở về với mái ấm, chị cũng còn đang mải mê với những công việc của riêng mình.

Chị nhớ đến câu nói: “Người phụ nữ có đạt được bằng cấp cao, địa vị, chức vụ, thu nhập... cũng chỉ để tổ ấm của mình được tiện nghi, êm ấm hơn. Dù có bao nhiêu tiền, cũng không thể thuê người gìn giữ cho mình”. Chị thấy mình cần phải thay đổi.

Chờ lâu lắm, anh chị mới có dịp trò chuyện cùng nhau lúc con đã ngủ. Chị nói với anh rằng, chị ngẫm lại và tự hỏi mình rằng, liệu có họ quá khó khăn về tài chính đến nỗi phải làm việc quá vất vả, xa rời gia đình như vậy hay không? Chị bảo với anh chị sẽ chuyển công tác, sẽ chỉ làm giờ hành chính, sẽ về nhà nấu cơm tối cho chồng con và chị mong rằng anh cũng sẽ trở về nhà để cùng vợ con ăn tối. Anh nhìn chị không nói gì.

Rồi cuộc sống của cá nhân chị cũng trở lại nhịp điệu bình thường như bao người phụ nữ khác, dù vẫn bận rộn lo toan cả ngày, nhưng chị vẫn cố gắng để về nấu cơm, để mong có một bữa tối đầm ấm. Nhưng hình như mọi việc đều đã quá muộn. Chồng chị đã quen đi mất rồi. Sau giờ làm, thay vì trở về nhà, anh sẽ sà vào một quán nhậu, một cuộc hẹn nào đó. Và những bữa tối cũng chỉ là người giúp việc, con và giờ có thêm chị, vẫn thiếu đi một phần quan trọng để làm nên cái đầm ấm của gia đình. Chị cay đắng khi nhìn vào khoảng trống chính mình đã góp phần tạo nên. Chị cũng không dám nặng lời với anh, chỉ cố gắng tìm cách lôi kéo anh về với bữa cơm gia đình, những sự quan tâm nhỏ nhặt mà con cái vẫn hằng khao khát. Nhưng dường như quá khó.

Câu chuyện của người phụ nữ ấy có lẽ cũng không phải là cá biệt hiện nay. Cuộc sống hiện đại với những bận rộn vô kể khiến không ít người vợ, người chồng có cả thời gian dài không biết gì đến cơm nhà. Một người phụ nữ khác cũng chia sẻ, con gái chị chẳng nói chuyện được với bố câu nào, bởi khi bố về con đã đi ngủ, khi con dậy thì bố đã ra khỏi nhà mất rồi. Cuộc sống bận rộn vẫn kéo anh đi tối ngày. Thi thoảng có những hôm anh về sớm hơn thường lệ thì cũng trong tình trạng ít khi tỉnh táo, thường thì lăn ra ngủ... Dù rằng càng đi nhiều, làm nhiều, và cả nhậu nhẹt nhiều, công việc của chồng chị càng thăng tiến, anh kiếm được nhiều tiền hơn, đưa cho vợ nhiều hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc anh càng trượt ra khỏi cuộc sống hàng ngày của mẹ con chị. Giữa họ chỉ còn là những tin nhắn, những cuộc điện thoại vội vàng thông báo những thông tin cần thiết về con cái, họ hàng nội ngoại đôi bên. Công việc của chị, chị biết, công việc của anh, anh lo… Chị không biết mình sẽ chịu đựng được bao lâu nữa khi mà cứ thế, họ dần mất đi những điểm chung và đây cũng là nguyên nhân khiến họ ngày càng xa cách.

Đành rằng sự phát triển của xã hội, cuộc sống đòi hỏi mỗi người phải có ý thức phát triển bản thân. Tuy nhiên, giữ được mái ấm gia đình là một thử thách mà nhiều người không thể vượt qua và tự họ đã làm cuộc sống gia đình không trọn vẹn.