Khởi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức lễ khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự, chỉ đạo và phát lệnh khởi công dự án.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự, chỉ đạo và phát lệnh khởi công dự án. Ảnh: Khắc Kiên
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do EVN làm chủ đầu tư và giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư. Tư vấn thiết kế dự án là Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 1, tổ hợp nhà thầu thi công xây lắp chính của dự án là liên danh các đơn vị: Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), Công ty CP Xây dựng 47 và Công ty CP Lilama 10.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.220 tỷ đồng. Trong đó, EVN tự thu xếp khoảng 30%, 70% còn lại bao gồm: Nguồn vốn vay thương mại trong nước là 4.000 tỷ đồng do Ngân hàng Vietcombank thu xếp và vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ là 70 triệu EURO của Cơ quan phát triển Pháp (AfD).
Dự án có tổng công suất 480MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Sau khi hoàn thành công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đạt 2.400MW.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công dự án Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng. Ảnh: Khắc Kiên
Chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các công trình thuỷ điện lớn trên dòng Sông Đà như Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu là biểu tượng của sự nghiệp Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các nhà máy thuỷ điện này đã góp phần rất quan trọng trong việc điều tiết lũ, phát điện, giao thông thuỷ và cấp nước cho hạ du.
Đối với dự án công trình Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của EVN trong việc tổ chức các công việc chuẩn bị đầu tư, lập và phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình, thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông…
Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao và biểu dương Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Hòa Bình và các cấp chính quyền địa phương... đã tổ chức thẩm tra, phê duyệt, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo để EVN hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư công trình đúng pháp luật hiện hành, đảm bảo an toàn, hiệu quả, không làm ảnh hưởng môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, với khối lượng công việc lớn, nhiệm vụ đặt ra cho EVN, các nhà thầu và các cơ quan liên quan là rất nặng nề. “Do đó, cần nâng cao tinh thần đoàn kết, thi công dự án, đảm bảo đúng tiến độ, an toàn tuyệt đối dự án, đảm bảo phát triển bền vững, an toàn cho hạ du, không để bất cứ sự cố nào xảy ra”- Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, thực hiện đúng tiến độ, chất lượng chi tiết trong từng hạng mục. Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình cần làm tốt giải phóng mặt bằng sớm, đảm bảo an ninh an toàn trên công trường cho các đơn vi thi công.
Thông tin tại buổi lễ, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, công trình sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ giúp tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
“Với nhiệm vụ đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, EVN luôn chú trọng việc đầu tư các dự án nguồn và lưới điện. Trên tinh thần đó, EVN cam kết sẽ quản lý tốt dự án để đưa vào vận hành đúng tiến độ. Tập đoàn cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân để tập đoàn có thể hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng”, ông Trần Đình Nhân nói.
Lãnh đạo Vietcombank và Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao hợp đồng tín dụng thực hiện dự án. Ảnh: Khắc Kiên
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), đại diện liên danh nhà thầu thi công dự án cho hay, đây là công trình có ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc, có quy mô và khối lượng công việc rất lớn, tiến độ hết sức khẩn trương, nhiều hạng mục thi công khó khăn phức tạp và theo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao, vừa thi công vừa đảm bảo an toàn cho nhà máy đang vận hành khai thác và các công trình lân cận.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc cũng cam kết với Thủ tướng Chính phủ, với EVN, các bộ, ngành T.Ư và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung nguồn lực con người, tài chính, thiết bị, tổ chức thi công chặt chẽ, khoa học, đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, để sớm hoàn thành công trình và đi vào vận hành khai thác.
Tại buổi lễ, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao ủng hộ Quỹ Vì người nghèo cho lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Khắc Kiên 
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn cho hay, địa phương kỳ vọng vào mục tiêu dự án này. Đồng thời, cam kết có trách nhiệm tạo thuận lợi để thi công dự án, đặc biệt sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan thực hiện giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các đơn vị, xác định rõ đây là công trình đặc biệt, do đó phải đảm bảo kỹ thuật, huy động thiết bi hiện đại nhất... đảm bảo tiến độ thi công, an toàn tuyệt đối và vệ sinh môi trường.
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập đâng, đập tràn với công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62ha; trong đó có 69,30ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án. Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 của dự án sẽ phát điện vào quý III năm 2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV năm 2024.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần