Khởi đầu mới với ngành chăn nuôi Việt Nam

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tin vui đến với ngành chăn nuôi Việt Nam khi mới đây, Tập đoàn Mavin (Australia) công bố xuất khẩu thành công lô thịt lợn Việt Nam đầu tiên theo đường chính ngạch sang thị trường Myanmar.

 2 đối tác tiến hành ký kết.
Như vậy, tiếp nối thành công của sự kiện lô thịt gà đầu tiên chạm ngõ thị trường Nhật Bản cuối năm 2017, vượt qua nhiều rào cản khó khăn về kiểm dịch, thịt lợn Việt Nam đã đủ tiêu chuẩn chinh phục các thị trường xuất khẩu. Đây được coi là khởi đầu mới đầy lạc quan cho ngành chăn nuôi, sau chuỗi ngày vất vả “giải cứu” thịt lợn.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về chăn nuôi với tổng đàn lợn gần 30 triệu con, đàn gia cầm hơn 300 triệu con mỗi năm. Tuy nhiên, lượng sản phẩm chăn nuôi được xuất khẩu mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Tính đến hết năm 2017, cả nước mới có 5 DN xuất khẩu thành công trứng ăn liền và 1 DN xuất khẩu thịt gà. Đối với thịt lợn, dù với tổng đàn lớn, song chúng ta mới chỉ xuất khẩu lợn hơi sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, còn xuất khẩu chính ngạch chủ yếu là lợn sữa, lợn choai sang Hồng Kông (Trung Quốc) và Malaysia với sản lượng ước đạt 20.000 tấn/năm.

Từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp đã đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, song để vượt qua được những rào cản thương mại, kiểm dịch, thú y của các nước nhập khẩu là không hề dễ dàng. Bởi thực tế, chăn nuôi trong nước, nhất là chăn nuôi lợn chủ yếu còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, tổ chức sản xuất yếu kém. Bên cạnh đó, hệ thống giết mổ, sơ chế, chế biến còn thiếu và yếu dẫn tới sản phẩm chăn nuôi không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh thú y, ATTP. Bởi vậy, ngay cả trong giai đoạn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá lợn hơi chạm đáy chỉ hơn 10.000 đồng/kg, cả xã hội chung tay “giải cứu” thịt lợn nhưng nhiều DN bán lẻ vẫn không thể thu mua vì các trang trại không đảm bảo đầy đủ giấy tờ, yêu cầu vệ sinh thú y cần thiết.

Chính vì vậy, việc container thịt lợn Việt Nam đầu tiên của Tập đoàn Mavin đã cập cảng Yagoon (Myanmar) được thông quan, kiểm dịch được đánh giá là bước ngoặt của ngành chăn nuôi Việt. Dự kiến, mỗi tháng Mavin sẽ xuất khẩu ít nhất một container 40 feet, tương đương với 26 tấn thịt lợn tươi sang Myanmar. Điều đáng mừng là giá thịt lợn tươi đông lạnh xuất khẩu sang thị trường này cao hơn 15% so với giá trong nước. Nói như ông David John Whitehead - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin, mục tiêu, khát vọng xuất khẩu thịt lợn từ Việt Nam ra thị trường thế giới đến bây giờ đã thành hiện thực.

Cần phải nói thêm, Mavin là DN sở hữu trọn vẹn chuỗi giá trị từ nông trại tới bàn ăn, khép kín hoạt động trong các lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, con giống, chăn nuôi, dược thú y, thực phẩm. Điều đó cho thấy, muốn chinh phục được các thị trường xuất khẩu, cần thiết phải tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn, tuân thủ quy trình quản lý dịch bệnh nghiêm ngặt và thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng nhìn nhận, muốn xuất khẩu thịt tươi cấp đông sang các quốc gia trên thế giới cần phải có chứng nhận của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Thành công của lô thịt lợn xuất khẩu đầu tiên là khởi đầu mới, mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi hướng đến những thị trường xuất khẩu có giá trị cao. Qua đó, giúp nâng tầm thương hiệu của ngành chăn nuôi, cải thiện thêm thu nhập cho người nông dân, đồng thời giải quyết bài toán dư thừa sản phẩm chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, việc cần làm hiện nay là xây dựng chiến lược để Việt Nam sớm trở thành quốc gia ATTP, khống chế dịch bệnh, đồng thời tập trung đầu tư vào chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu.