Khơi dậy hương vị Tết xưa

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không hẹn mà gặp, rất nhiều điểm hẹn văn hóa ở Hà Nội trong những ngày gần đây trở thành không gian Tết xưa.

Người ta trải chiếu rủ nhau gói bánh chưng, mời chuyên gia dạy cách bày bàn thờ gia tiên, cùng nghe điệu hát ca trù, nặn các con tò he… theo không khí Xuân xưa.
Trở về với nét đẹp truyền thống

Đã nhiều năm nay, người thành thị mải miết đến các siêu thị, trung tâm thương mại mua thực phẩm có sẵn chuẩn bị đón Tết. Không khí cả nhà cùng quây quần gói bánh chưng đã bắt đầu lùi xa. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long hoặc cả ở những khu chung cư cao cấp người ta lại bày gạo, lá dong, thịt mỡ… hướng dẫn du khách trở về với truyền thống của ông cha ta mỗi khi Tết đến, Xuân về.
 Thi gói bánh chưng tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Đến với chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết” năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 24 - 26/1 (tức ngày 19 - 21 tháng Chạp năm Mậu Tuất), tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), công chúng sẽ được tham gia gói bánh chưng với các tăng ni, phật tử chùa Pháp Vân (Hà Nội); đại diện các cộng đồng dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam… Không chỉ vậy, du khách còn được các nghệ nhân làng nghề truyền thống thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật gói bánh. Bên cạnh đó, chương trình “Nét xưa Hà Nội - Thời bao cấp” do Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hapulico và FFC Group phối hợp tổ chức sẽ cho du khách có cơ hội được trở về quá khứ, sắm Tết tại các quầy hàng mậu dịch, các cửa hàng ăn uống, trải nghiệm vừa quen vừa lạ với hình ảnh xếp hàng đổi tem phiếu lấy quà; các quầy mậu dịch cũng không còn khan hiếm hàng như xưa mà đa dạng các mặt hàng từ thời trang, làm đẹp, đồ trang trí cho tới thực phẩm chế biến, quà Tết… Mọi người được ngồi bên nhau thưởng thức các món ngon ẩm thực đường phố, đặc sản ba miền cùng nét văn hóa “trà đá vỉa hè” đặc trưng quen thuộc không thể thiếu của người Hà Nội.

"Lúc nào tôi cũng mong đến Tết để về quê ăn Tết, đụng chung một con lợn. Nghe tiếng lợn kêu nghĩa là Tết đã về tới đầu ngõ. Rồi cả nhà ngồi bên nhau gói bánh chưng. Đêm đến bắc nồi nấu bánh lại được nghe kể chuyện Tết xưa, về Tết cổ truyền. Đây là cách bố mẹ tôi giáo dục con cháu mình về hương vị Tết xưa." - TS Trần Hữu Sơn

– Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam

"Các cơ quan quản lý văn hóa tổ chức các sự kiện góp phần giữ lại một số nét đẹp truyền thống là điều đáng hoan nghênh nhưng không nên nghĩ mọi thứ đều phải giữ lại như ngày xưa. Văn hóa luôn nhất thành bất biến, văn hóa luôn luôn có sự thay đổi, biến động theo thời gian, hoàn cảnh nhưng giá trị, bản chất văn hóa của con người càng ngày càng phải được hoàn thiện, tốt đẹp." - TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội

Những ngày này, nghệ nhân Nguyễn Ánh Tuyết, PGS.TS Trần Lâm Biền trở nên “đắt sô” vì được Ban tổ chức ở nhiều nơi mời gọi. Mặc dù vẫn chỉ là bí quyết làm sao gói bánh cho chặt, nhân đỗ và gạo nếp cho quyện; hay bày mâm ngũ quả thế nào, ý nghĩa lộc Xuân từ hai cây mía…, nhưng đi đến đâu câu chuyện của các nghệ nhân, các chuyên gia vẫn còn thời sự.

Những thú chơi trở lại

Để cho Tết thêm trọn vẹn, Sách Tết Kỷ hợi 2019 sẽ quay lại sau 60 năm vắng bóng. Với “Sách Tết Kỷ Hợi 2019”, những người làm sách mong muốn mang sách Tết trở lại, như món quà nhỏ cho ngày Xuân thêm trọn vẹn. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc NXB Văn học Nguyễn Anh Vũ cho biết: “Xuất phát từ mong muốn nối dài truyền thống làm sách Tết, sách Tết Kỷ Hợi 2019 là tập hợp các văn nghệ sỹ ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam và biên giới hải đảo. Sách có nội dung phong phú xoay quanh các chủ đề: Văn, thơ, nhạc, sử, cổ tích, bình thơ, góc nhìn, vĩ thanh. Sách được ví như một cuộc điểm tô tinh hoa sáng tạo các loại hình nghệ thuật của con người. Sự tô điểm ấy nhấn vào những cảm xúc, suy tư của những người thế hệ cũ. Còn với độc giả trẻ, qua cuốn sách, họ biết đến Tết xưa như thế nào, đồng thời nhắc nhớ về các phong tục, hương vị Tết xưa của người Việt”.

Và cũng đã trở thành thông lệ 2 năm nay, trào lưu chơi tranh con giống ngày Tết cũng đã trở lại sau nhiều chục năm vắng bóng. Kế tục danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm; các họa sĩ thời nay như: Thành Chương, Đặng Thu An, Lê Trí Dũng, Ngụy Đình Hà… đã tụ hội cùng nhau trong sân chơi “Tranh Tết Kỷ Hợi”. Với hơn 60 bức tranh mang chủ đề của con giống năm 2019, các tác giả muốn gửi gắm thông điệp, tranh không đơn giản chỉ để ngắm mà sâu sắc hơn là mang một đề tài, ý nghĩa, sự sáng tạo trong phong cách thể hiện, chất liệu rất riêng, đậm dấu ấn cá nhân. Tính thời đại, hiện thực được thể hiện khá rõ trong các bức tranh.

Sắm Tết và chơi Tết

Khi đất nước chuyển đổi sang cơ chế thị trường, cái gì cũng mua được quanh năm như bánh chứng, giò, câu đối... nên không khí sắp Tết cũng khác đi. Theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho rằng: “Đến Tết người ta không lo quá nhiều đến chuyện sắm Tết để ăn Tết mà chuyển dần sang chơi Tết. Điều này thể hiện xã hội đang khá lên, không chỉ chờ đến ngày Tết mới có ăn ngon, mặc đẹp nhưng kèm với đó có một số nét truyền thống bị phai nhạt đi. Ngày trước, để gói bánh chưng người ta phải gói lá dong, đi rửa lá ở những bờ ao, con sông. Nhà này gọi nhà kia tạo nên không khí Tết vui vẻ, ấm áp trong từng gia đình và cả làng xóm. Những năm kinh tế thị trường, Tết đến thậm chí vì bận làm việc, vợ chồng mỗi người làm một nơi. Bây giờ gia đình là hạt nhân chứ không phải là tam – tứ đại đồng đường nữa. Mỗi gia đình nhỏ chỉ cần 2 - 3 cái bánh chưng là đủ Tết nên mỗi nhà đặt vài cái ở hàng. Người dân không gói bánh chưng dẫn đến việc không có cả không khí Tết”.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam Trần Hữu Sơn, sự thiêng hóa của những ngày Tết đã không còn. Trước đây, từ ngày đón ông Công, ông Táo đến khi hóa vàng trên bàn thờ mỗi gia đình đều phải thắp hương. Đây là lễ để đón tổ tiên về ăn Tết và tiễn tổ tiên đi. Tuy nhiên, hiện nay, hầu như nếp thiêng này không còn giữ.

Có một thực trạng đang diễn ra hàng ngày, nhưng cũng đã làm thay đổi phần nào phong tục của Tết Việt truyền thống đó là phần lớn khâu chuẩn bị Tết hiện nay đều được phân vai cho dịch vụ, ví dụ như thuê làm bánh, thuê thịt gà, thậm chí vui chơi ngày Tết cũng chuyển sang dịch vụ. Điều này là hướng đi tất yếu của nền kinh tế thị trường, tuy nhiên lại khiến thế hệ trẻ quên mất những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của Tết Việt. Hiện nay, việc khơi gợi các hoạt động bao đời trong Tết cổ truyền lại là nhiệm vụ của các trung tâm văn hóa.