Khối di sản văn hóa khổng lồ và trọng trách 10 năm

Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có 5.922 di tích được kiểm kê và 1.793 di sản phi vật thể. Khối lượng di sản khổng lồ là sự tổng hòa của di sản văn hóa xứ Đoài - Sơn Nam Thượng với văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Mảnh đất giàu có về di sản cũng đặt lên vai những người quản lý trọng trách nặng nề trong việc gìn giữ và bảo tồn.

Lễ hội xuân tổ chức tại Điện Kính Thiên, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long 2018. Ảnh: Phạm Hùng
Giao hảo, kết chạ ngàn đời
Sau khi hợp nhất, Hà Nội trở thành địa phương giàu có về di sản nhất cả nước với 5.922 di tích được kiểm kê (khu vực Xứ Đoài - Sơn Nam thượng là 3.969 di tích), gồm nhiều loại hình: Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, di chỉ khảo cổ học, thành cổ, làng cổ, phố cổ... có niên đại trải dài nhiều thời kỳ phát triển của đất nước.

Hà Nội vinh dự sở hữu 1 di sản thế giới, 13 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1.185 di tích cấp quốc gia và 1.264 di tích cấp tỉnh, TP. Trong số đó, khu vực Xứ Đoài - Sơn Nam thượng có các di tích nổi tiếng, có giá trị như chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Đậu... Nổi tiếng là hệ thống đình xứ Đoài như Tây Đằng, Chu Quyến, Thụy Phiêu… Đặc biệt, hòa cùng Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và các di tích trong hệ “Tứ trấn” của Thăng Long, khu phố cổ, phố cũ và các di sản đô thị đã đưa Hà Nội trở thành một trung tâm văn hóa với truyền thống ngàn năm văn hiến mà không nơi nào có được.

Một trong những giá trị cốt lõi của Thăng Long - Hà Nội đang được lưu giữ, phát huy trong các bảo tàng, di tích và các bộ sưu tập tư nhân là những bảo vật quốc gia. Đến nay, Hà Nội có 12 nhóm với 149 bảo vật quốc gia thuộc nhiều thời kỳ lịch sử, trong đó có 7 nhóm lưu giữ tại các di tích khu vực Hà Tây trước đây có giá trị độc đáo, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật như hệ thống tượng Tổ truyền đăng chùa Tây Phương, Tượng nhục thân các vị thiền sư chùa Đậu…

Hà Nội còn có không ít di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu, đặc biệt là lễ hội truyền thống ở các địa phương. Lễ hội phong phú, đa dạng từ quy trình thực hành, các nghi lễ đến các lễ vật, trò diễn dân gian. Nhiều lễ hội vượt ra ngoài phạm vi của một địa phương, bao trùm lên nhiều xã, huyện, như: Lễ hội đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng; Hội đền Và thờ đức thánh Tản; Hội làng Tự Nhiên thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung… Có những hội làng đến nay vẫn giữ nguyên truyền thống giao hảo, kết chạ hàng trăm năm như Hội chùa Bối Khê và chùa Trăm Gian. Nổi tiếng nhất là Lễ hội chùa Hương gắn liền với Bà chúa Ba - đức Quan Thế Âm Bồ tát là lễ hội dài nhất nước, mỗi năm đón tiếp khoảng 1,5 triệu lượt khách tham quan, hành hương lễ Phật.
Trong kho tàng văn hóa ấy còn phải kể đến hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian cùng kho tàng di sản Hán Nôm: Văn bia, hương ước, gia phả, địa bạ, thần phả...

Phân cấp để giữ gìn

Với số lượng di tích, di sản văn hóa phi vật thể lớn như vậy, trọng trách đặt lên vai những người làm công tác quản lý văn hóa không nhỏ. Từ nhiều năm nay, TP đã phân cấp quản lý di tích theo 2 cấp: Cấp TP và cấp quận, huyện, thị xã theo nguyên tắc: Cấp nào quản lý trực tiếp thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Việc phân cấp, phân nhiệm rõ ràng đến tận cơ sở, do vậy, công tác quản lý, bảo tồn di tích đã đạt được những kết quả khả quan, thời gian gần đây không còn điểm nóng về di tích.

Với 5.922 di tích, trong đó có những di tích ngàn năm tuổi, việc bảo tồn là một quá trình gian nan và tốn kém. Hàng năm, ngân sách TP và các quận, huyện đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, chống xuống cấp di tích, đồng thời, cũng huy động nguồn kinh phí xã hội hóa khá lớn cho công tác này. Bên cạnh đó, do quá trình lịch sử để lại nhất là thời kỳ sơ tán trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chạy lụt năm 1971, trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại khoảng 300 hộ dân sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, đây là một trong những tồn tại khó khăn của công tác quản lý bảo vệ di tích.
 Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội
Mặt khác, để bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như một phần “hồn cốt” Thăng Long - Hà Nội, TP đã kiểm kê và lập bản đồ phân bố cho 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, phân loại theo 6 loại hình. Trong số đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Kéo co ngồi ở Hội đền Trấn Vũ; Kéo mỏ ở Hội đền Vua Bà và 1 di sản nằm trong Danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO là hát Ca trù. Bên cạnh đó, rất nhiều dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản như: Nghệ thuật hát Ca trù, hát Dô, Trống quân, múa Bài bông, nghề Rèn ở Đa Sĩ, tri thức trồng thuốc Nam của người Dao, hát Chèo tàu... đã và đang được triển khai có hiệu quả trong cộng đồng.

Phải nói rằng sau 10 năm hợp nhất, cái được lớn nhất mà ngành văn hóa Thủ đô đã làm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản là tham mưu, phối hợp để từng bước làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng, ý nghĩa của di sản đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân về di sản văn hóa phi vật thể cũng đã thay đổi đáng kể - tôn trọng tối đa tinh thần của UNESCO trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều di sản được nhận diện một cách rõ nét, từ đó giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị cũng đi vào thực chất và có chiều sâu hơn. Nhiều di sản văn hóa đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, được đông đảo du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Một điểm nhấn nữa trong công tác quản lý di sản là: Hà Nội đã có nhiều đề án chương trình bảo tồn văn hóa di sản văn hóa phi vật thể. Từ những nỗ lực giữ gìn, trân trọng nghệ nhân - “báu vật sống” của di sản, Hà Nội cùng các địa phương trong cả nước đã xây dựng hồ sơ đề nghị công nhân danh hiệu cho các nghệ nhân. Năm 2015, lần đầu tiên Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho 39 nghệ nhân của Thủ đô có những đóng góp đặc biệt trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây là một bước tiến lớn, ghi nhận đóng góp âm thầm của những người có công lưu giữ, trao truyền và duy trì các di sản văn hóa phi vật thể của ông cha cho thế hệ sau. Trong việc giữ gìn và bảo tồn, Hà Nội đặc biệt chú ý xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng từ tiềm năng di sản. Để Thủ đô Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao.

10 năm không quá dài, cũng không phải quá ngắn, nhưng có thể tin rằng, sự hòa quyện của văn hóa xứ Đoài - Sơn Nam thượng với văn hóa Thăng Long - Hà Nội sẽ như một dòng chảy bất tận trong tiến trình phát triển, không ngừng được bồi đắp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần