Khơi dòng vốn vào nông nghiệp

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, số lượng DN nông nghiệp đã không ngừng tăng lên, trong đó có sự góp mặt của nhiều “ông lớn” như tập đoàn Vingroup, Masan, Himlam, Viettel, FLC… bước đầu tạo được hiệu ứng lan tỏa, thắp lửa tinh thần khởi nghiệp cho nông dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong cộng đồng DN của cả nước.

Hội nghị toàn quốc thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tổ chức ngày 30/7
Nhìn nhận một cách khách quan, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã đặc biệt quan tâm đến tạo điều kiện cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Điều đó được thể hiện ở cơ chế, chính sách và khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, tạo động lực cho DN đầu tư vào lĩnh vực vốn được coi là nhiều rủi ro này. Thống kê đến quý II/2018, cả nước có khoảng 7.600 DN nông nghiệp, chiếm khoảng trên 1% tổng số DN của cả nước. Nếu tính cả DN chế biến nông lâm thủy sản và DN thương mại hàng lương thực thực phẩm, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 49.600 DN, song cũng chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng số DN cả nước.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng thẳng thắn nhìn nhận, có tới trên 95% số DN nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đang là thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Hơn nữa, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các DN nông nghiệp còn thấp khi có tới 75% DN sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Đáng chú ý, năng lực liên kết hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị của DN nông nghiệp còn hạn chế, nhất là khả năng liên kết với các đối tác, tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế… Nói về nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và có hiệu lực, hiệu quả đi kèm với các cơ chế, chế tài đủ mạnh để triển khai được mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hợp đồng một cách bền vững.

Tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tổ chức ngày 30/7, nhiều “điểm nghẽn” trong đầu tư vào nông nghiệp đã được các chuyên gia, DN nêu ra. Theo đại diện Tập đoàn FLC, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề quỹ đất làm nông nghiệp. Sau khi đi khảo sát tại 40 tỉnh, TP về quy hoạch vùng nông nghiệp, DN này bày tỏ, vấn đề quỹ đất có khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất hiện nằm trong tay các nông, lâm trường nhưng các đơn vị này hoạt động không hiệu quả.

Ngoài ra, thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn phải tiếp tục được tháo gỡ. Đơn cử, hiện nay vẫn còn hơn 100 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm khoảng 30%) chưa được rà soát, đơn giản hóa. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, cần cắt giảm 125 nhóm sản phẩm hàng...

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, DN là hạt nhân trong chuỗi kinh tế, không có DN thì không tổ chức thành công một nền kinh tế hàng hóa hội nhập. Những DN lớn, đẳng cấp, tầm cỡ hội nhập chính là nhân tố điển hình để cùng bà con nông dân làm lên câu chuyện nông sản giai đoạn tới.

Cũng nhấn mạnh vai trò của DN trong hành trình đưa nông sản Việt ra biển lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để hiện thực hóa tầm nhìn trên, cốt lõi là sự phát triển của các DN đầu tư trong ngành nông nghiệp. Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện thể chế chính sách, tạo cơ chế thông thoáng, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khai thác tối ưu dư địa của ngành này. Trong đó, đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cộng đồng DN tràn trề hy vọng rằng, sau thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại “Hội nghị Diên Hồng” của ngành nông nghiệp lần này, cộng với quyết tâm đồng hành, đổi mới của các bộ, ngành, địa phương, cánh cửa đầu tư vào lĩnh vực này ngày một rộng mở hơn. Và khi dòng vốn chảy vào nông nghiệp dồi dào hơn, cơ hội để nâng tầm vị thế cho nông sản Việt sẽ trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết.