Khơi gợi ký ức Hà Nội thời xưa cũ

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ký ức về một Hà Nội nghèo nhưng luôn chan chứa tình người hiện lên đầy giản dị tại các khu tập thể cũ. Tất cả sẽ được hiện lên trong cuốn sách “Tập thể Hà Nội - Ký họa & hồi ức” sẽ ra mắt công chúng ngày 30/12 trong chuỗi sự kiện “Ký ức Hà Nội” tại Ngon Garden (70 Nguyễn Du).

 Một tác phẩm trong triển lãm “Ký ức Hà Nội”.
Góp nhặt kỷ niệm
Nhiều năm qua, những thành viên trong nhóm Urban Sketchers Hà Nội có ý tưởng lưu lại ký ức của Hà Nội qua góc nhìn từ những khu tập thể cũ như Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Trung Tự… Ý tưởng xuất phát từ mong muốn giữ lại những hình ảnh, câu chuyện về các khu tập thể cũ - bước ngoặt trong sự phát triển nhà của Hà Nội sau chiến tranh, nơi công năng của chúng sắp không còn đáp ứng được nhu cầu của người dân, vai trò lịch sử sắp kết thúc.
Bên cạnh triển lãm tranh và ra mắt sách, sự kiện “Ký ức Hà Nội” được tổ chức tại Ngon Garden (70 Nguyễn Du) còn có hoạt động trải nghiệm thời bao cấp. Trải nghiệm đó là ấm trà vối nóng kèm kẹo lạc, những món ăn chơi như mứt me, mứt bí, mứt gừng, thậm chí là món cơm độn sắn, lòng xào dưa chua..., những thứ rất đỗi quen thuộc với Hà Nội thời bao cấp.

Bà Phạm Thị Bích Hạnh - Chủ thương hiệu Ngon Garden
Một năm qua, các thành viên nhóm Urban Sketchers Hà Nội đã rong ruổi khắp các khu tập thể cũ ở Hà Nội để vẽ tranh và tìm lại những mảnh ký ức của những cư dân đã và đang sống tại đó. Thời gian đầu, người dân không hào hứng chia sẻ những câu chuyện của riêng họ. “Tuy nhiên, sau khi có một vài bài viết được chia sẻ lên facebook, nhiều người dân sống tại tập thể cũ trước đây đã tìm lại hàng xóm của mình. Họ đã hẹn gặp nhau để những kỷ niệm không mãi chỉ còn trong ký ức” - Trưởng nhóm Urban Sketchers Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ.

Dần dần sau đó, những ký ức về tập thể được góp nhặt nhiều hơn. Bà Phan Thu Hà - khu tập thể Nguyễn Công Trứ nhớ lại: “Đi lên cầu thang rẽ sang 2 bên, mỗi bên có 4 - 5 nhà, chung nhau hành lang, bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh. Căn bếp nhỏ đủ chỗ cho 4 - 5 gia đình đun nấu, có cả chỗ chứa than và củi dưới các hốc bếp bằng xi măng, thậm chí có gia đình còn quây nuôi gà. Căn bếp là nơi giao lưu, trò chuyện mà mỗi trưa, mỗi chiều lại râm ran tiếng cười nói với bao câu chuyện của các cư dân nơi đây. Ngày đó, cửa các nhà đều luôn rộng mở, lũ trẻ con cứ chạy từ nhà nọ sang nhà kia, người lớn cũng hay qua lại nhà nhau chơi. Thời chiến tranh và bao cấp muôn vàn khó khăn, những người sống ở tập thể cũ vẫn luôn đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ và có cả những giận hờn, cãi vã nhưng vẫn gắn kết như trong một gia đình”.

Một thời để nhớ

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - một cư dân chung cư cũ của Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã từng sống những năm 80 của thế kỷ trước ở khu tập thể Trung Tự. Bây giờ mỗi lần đi qua đó, giữa thế giới của những ngôi nhà cao tầng và các cửa hiệu hiện đại, tôi vẫn thấy hiện lên màu ố vàng của những bức tường chung cư xưa, của những lối cầu thang hẹp đầy bóng tối, của tiếng nước máy chảy trong những đêm gần sáng chờ lấy nước, của tiếng bầy trẻ reo vang trên những lối cầu thang và sân chơi, của mùi bếp dầu, của những người già trò chuyện trên ban công vào những đêm mùa hạ nóng hầm hập mất điện… Tất cả những điều ấy hiện lên như một người tri kỷ cách xa lâu ngày mới gặp, xúc động và nhớ thương”.

Cuốn sách "Tập thể Hà Nội - Ký họa & Hồi ức" là một ý tưởng độc đáo, biến những không gian xưa, thời gian xưa tưởng đã chìm vào quên lãng giờ trở lại sống động và ám ảnh lạ thường. Hầu hết những người đã sống trong những chung cư ấy giờ đã có một nơi ở mới. Tưởng rằng như vậy thì những chung cư xưa sẽ được chôn vùi vào quá khứ mãi mãi nhưng đến một ngày, trong những trang viết, bức họa, tất cả những chung cư thuở ấy lại mọc lên trong một tinh thần khác và một ánh sáng khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần